Giới phân tích: Châu Á là nơi an toàn khi Fed tăng lãi suất, nhưng còn quá sớm để tham gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà phân tích cho biết, các nền kinh tế mới nổi của châu Á được đặt ở vị thế tốt hơn hầu hết các khu vực khác để vượt qua cơn bão thắt chặt chính sách của Mỹ, nhưng các nhà đầu tư không nên vội vàng.
Giới phân tích: Châu Á là nơi an toàn khi Fed tăng lãi suất, nhưng còn quá sớm để tham gia

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày 15/6, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, đồng thời ra tín hiệu tăng mạnh hơn nữa trong thời gian còn lại của năm để kiềm chế lạm phát gia tăng, hiện đang cao nhất 40 năm.

Sự thắt chặt mạnh mẽ của Mỹ đã gây ra một đợt bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán, trái phiếu và thậm chí cả tiền điện tử toàn cầu.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền ra khỏi châu Á, ngoại trừ Trung Quốc trong 5 tháng liên tiếp vì lo lắng về lạm phát và sự miễn cưỡng trong khu vực trong việc tăng lãi suất trước bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, các nhà đầu tư đã rút 4,9 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi vào tháng trước, và là tháng thứ ba liên tiếp. Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng vào tuần cuối cùng của tháng 5, chủ yếu là mua cổ phiếu của Trung Quốc.

Galvin Chia, chiến lược gia thị trường mới nổi tại NatWest Markets cảnh báo, không nên kỳ vọng quá nhiều vào phiên hồi phục ngày 16/6 và cảnh báo rằng vài tuần tới có thể biến động.

“Vẫn còn một chút dư địa khó lường về những gì Fed sẽ làm tiếp theo. Tôi có thể nói rằng, các nhà đầu tư không nên tiếp tục với bất kỳ loại quyết định đầu tư lớn hơn và dài hạn nào vào thời điểm này”, ông cho biết.

Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management cho biết, các nền kinh tế châu Á được hỗ trợ nhiều hơn từ thặng dư tài khoản vãng lai và tiền tệ ổn định so với các giai đoạn trước khi Fed tăng lãi suất.

Các thị trường châu Á đã bị bán tháo trong năm nay, mặc dù các động thái này nhẹ nhàng hơn nhiều so với dòng vốn chảy ra mạnh mẽ trong các chu kỳ thắt chặt của Mỹ vào năm 2016 và 2004.

“Nhưng chúng tôi vẫn rất thận trọng và trung lập trong vấn đề phân bổ tài sản. Chúng tôi chỉ nói rằng, các thị trường đang trở nên hấp dẫn hơn, với việc suy nghĩ về nơi để tìm tăng trưởng trong danh mục đầu tư và các nhà đầu tư có thể chờ xem điều gì xảy ra với tăng trưởng và lạm phát”, chiến lược gia Kerry Craig cho biết.

Trung Quốc vẫn là một yếu tố mạnh mẽ

Các nhà chức trách Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát các công ty công nghệ và các biện pháp kiểm soát Covid-19 trong tháng này, nhưng vẫn còn câu hỏi về việc nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh như thế nào.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giữ nguyên lãi suất trong tháng thứ năm liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, dư địa nới lỏng của PBOC hiện chỉ ở mức hạn chế trong bối cảnh Fed thực hiện chính sách tiền tệ quyết liệt và Bắc Kinh cảnh giác với bong bóng nợ.

Nhấn mạnh sự thận trọng về tính ổn định của nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc hôm 15/6 cho biết, sẽ hành động dứt khoát trong việc tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng những nỗ lực như vậy sẽ không dẫn đến việc phát hành tiền quá nhiều và "thấu chi trong tương lai".

Cách các ngân hàng trung ương châu Á khác phản ứng với căng thẳng lạm phát trong nước là chìa khóa.

Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Nomura cho biết, việc Fed mạnh tay sẽ gây áp lực lên châu Á để "tăng lãi suất, một phần do rủi ro dòng vốn chảy ra gia tăng và đồng tiền yếu hơn".

"Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, nhiều nền kinh tế châu Á hiện đang phải đối mặt với áp lực lạm phát của riêng họ bất kể Fed”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục