Giới đầu tư vẫn thiếu niềm tin vào thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (6/9), khi các nhà đầu tư thận trọng đánh giá dữ liệu kinh tế mới và chờ đợi bài phát biểu của chủ tịch Fed.
Giới đầu tư vẫn thiếu niềm tin vào thị trường

Một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy, ngành dịch vụ của Mỹ đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8 và đạt 56,9 điểm, nhờ tăng trưởng số đơn hàng và việc làm, trong khi tắc nghẽn nguồn cung và áp lực giá giảm bớt.

Dữ liệu được công bố sau báo cáo việc làm hôm thứ Sáu tuần trước cũng tốt hơn kỳ vọng, cho thấy nền kinh tế Mỹ vững chắc hơn dự báo.

Những dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi này đã thúc đẩy khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Carol Schleif, Phó giám đốc đầu tư tại BMO Family Office cho biết: “Fed đã khiến chúng ta trở nên phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu, vì vậy, với mọi thông tin được đưa ra, các nhà đầu tư sẽ cố gắng suy luận xem điều đó có ý nghĩa gì đối với các cuộc họp sắp tới của Fed. Nhưng một trong những điều khiến các nhà đầu tư không hài lòng là thực sự có rất ít yếu tố thúc đẩy thị trường tăng hoặc giảm một cách vững chắc”.

Phiên này, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ đã phải trải qua 7 phiên giảm liên tiếp, chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ tháng 11/2016.

Nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như Amazon.com và Microsoft Corp đã giảm khoảng 1% khi lợi suất kho bạc chuẩn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6. Trong khi Apple, công ty sẽ ra mắt iPhone mới vào thứ Tư tới, đã mất 0,8%.

Trọng tâm hiện tại của thị trường sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Năm, cũng như dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ vào tuần tới để biết thêm manh mối về đường lối của chính sách tiền tệ của Fed.

Kết thúc phiên 6/9, chỉ số Dow Jones giảm 173,15 điểm (-0,55%), xuống 31.145,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,07 điểm (-0,41%), xuống 3.908,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 85,96 điểm (-0,74%), xuống 11.544,91 điểm.

Chứng khoán châu Âu nhích nhẹ, nhưng tâm lý thị trường vẫn rất mỏng do lo lắng về cuộc khủng hoảng năng lượng và suy thoái đang rình rập.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,21% lên 414,24 điểm.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô tăng trở lại đã giúp chỉ số DAX của Đức tăng 0,9% sau khi giảm hơn 2,2% vào thứ Hai, bởi lo ngại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tiến tới suy thoái.

Các nhà đầu tư đã theo dõi chặt chẽ thông tin mới nhất về vụ ngừng hoạt động của Nord Stream 1, điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông trong khu vực và khiến chính phủ Liên minh châu Âu thúc đẩy thông qua các gói hỗ trợ hàng tỷ euro cho các doanh nghiệp và bảo vệ các hộ gia đình khỏi các hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Nhiều cuộc khảo sát vào hôm thứ Hai cho thấy, khu vực đồng euro gần như chắc chắn đang bước vào một cuộc suy thoái, do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc và triển vọng ảm đạm khiến người tiêu dùng cảnh giác với chi tiêu.

Dữ liệu sáng ngày thứ Ba cho thấy các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức đã giảm 1,1% trong tháng 7, tháng giảm thứ sáu liên tiếp khi xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết.

Phiên này, cổ phiếu Volkswagen đã tăng 3,7% sau quyết định kích hoạt đợt chào bán lần đầu ra công chúng đối với thương hiệu xe thể thao Porsche.

Tập đoàn D'Ieteren đã tăng 6,2% sau khi nhà phân phối xe hơi của Bỉ báo cáo lợi nhuận nửa đầu năm khả quan và tăng triển vọng cả năm.

Cổ phiếu Delivery Hero tăng 7,7% sau khi Morgan Stanley nâng khuyến nghị đối với cấp công ty thực phẩm mang đi trực tuyến của Đức lên mức “tăng tỷ trọng”, với lý do là sự kết hợp của tốc độ tăng trưởng nhanh và lợi nhuận khả quan.

Kết thúc phiên 6/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 13,01 điểm (+0,18%), lên 7.300,44 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 110,66 điểm (+0,87%), lên 12.871,44 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 11,39 điểm (+0,19%), lên 6.104,61 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục giảm và đã mất khoảng 3% trong những phiên gần đây, do nhu cầu bị đe dọa bởi tình hình Covid-19 ở Trung Quốc.

Thêm vào đó, quyết định giảm nhẹ sản lượng của OPEC+ vào tháng 10/2022 được xem là một chỉ báo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu.

Kết thúc phiên 6/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,01 USD/thùng (+0,01%), lên 86,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,19 USD/thùng (-0,20%), xuống 92,83 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục