Giới đầu tư vẫn hào hứng với mùa báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng

(ĐTCK) Phố Wall kéo dài đà tăng điểm vào thứ Tư (20/10) khi tâm lý nhà đầu tư vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi loạt báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng.

Khoảng 14% công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III, và hơn hơn 85% trong số này cho thấy lợi nhuận vượt qua kỳ vọng. Theo dữ liệu mới nhất của Refinitiv, lợi nhuận quý III đang trên đà tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Verizon thuộc Dow Jones là một trong mã tăng mạnh nhất, tăng 2,4% sau khi công bố báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng trong quý vừa qua. Gã khổng lồ ngành viễn thông cũng nâng triển vọng lợi nhuận cả năm nhờ việc sử dụng 5G ngày càng tăng.

8/11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều tăng điểm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu tiện ích và bất động sản, cả hai đều tăng khoảng 1,6% và cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, tăng 1,5%.

Chỉ số biến động CBOE, hay còn được gọi là thước đo sợ hãi trên Phố Wall, đóng cửa ở mức 15,49 sau khi chạm mức 15,29 trong phiên, mức thấp nhất kể từ ngày 13/8.

Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hôm thứ Tư trong bản tóm tắt báo cáo mới nhất về nền kinh tế cho biết, các nhà hoạch định chính sách đã sẵn sàng bắt đầu giảm 120 tỷ USD tiền mua lại tài sản hàng tháng ngay trong tháng tới sau những cải thiện đáng kể trên thị trường lao động kể từ cuối năm ngoái.

Báo cáo cũng cho thấy những căng thẳng mà các quan chức của Fed bắt đầu cân nhắc khi nào sẽ tăng lãi suất trong khi lạm phát đã cao hơn mục tiêu 2% trong vài tháng qua.

Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures, Nasdaq Futures lại đang trong xu hướng đi xuống.

Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Dow Jones tăng 152,03 điểm (+0,43%), lên 35.609,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,56 điểm (+0,37%), lên 4.536,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 7,42 điểm (+0,05%), lên 15.121,68 điểm.

Chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng trong phiên ngày thứ Tư nhờ kết quả quý III mạnh mẽ từ Nestle, động lực thúc đẩy cổ phiếu các công ty thực phẩm và vượt qua ảnh hưởng tiêu cực từ báo cáo đáng thất vọng từ tập đoàn xa xỉ Kering và nhà sản xuất chip ASML.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của khu vực đồng Euro tăng 0,5% so với tháng 8 và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu này phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Kết thúc phiên 20/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,57 điểm (+0,08%), lên 7.223,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,09 điểm (+0,05%), lên 15.522,92 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 35,76 điểm (+0,54%), lên 6.705,61 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, được củng cố bởi sự tích cực từ diễn biến Phố Wall phiên đêm trước đó.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, chủ yếu do nhóm cổ phiếu bất động sản và than lao dốc, do sự không chắc chắn xung quanh các chính sách tiền tệ và cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande kéo dài.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần, được thúc đẩy bởi đà phục hồi của các gã khổng lồ công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều giảm do các nhà đầu tư chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ và lo lắng gia tăng sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng khu vực châu Á.

Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 40,03 điểm (+0,14%), lên 29.255,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,15 điểm (-0,17%), xuống 3.587,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 348,81 điểm (+1,35%), lên 26.136,02 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 15,91 điểm (-0,53%), xuống 3.013,13 điểm.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng đêm qua khi đồng USD chưa có tín hiệu hồi phục trong khi giới đầu tư lo ngại về lạm phát tăng cao.

Tuy nhiên, mặt hàng kim loại không tăng quá mạnh trong bối cảnh nhiều thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm khi giới đầu tư hào hứng với các báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng của các doanh nghiệp.

Kết thúc phiên 20/10, giá vàng giao ngay tăng 13,10 USD (+0,74%), lên 1.782,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 14,40 USD (+0,81%), lên 1.784,90 USD/ounce.

Giá dầu vẫn kéo dài đà tăng sang phiên ngày thứ Tư sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ tại kho dự trữ lớn nhất của quốc gia này chạm mức thấp nhất trong ba năm và dự trữ nhiên liệu trên toàn quốc giảm mạnh, một tín hiệu cho thấy nhu cầu tăng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tuần trước, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 431.000 thùng và dự trữ xăng giảm hơn 5 triệu thùng do các nhà máy lọc dầu cắt giảm chế biến do bảo trì.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tại trung tâm giao hàng Cushing, Oklahoma chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Dự trữ xăng hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm 2020.

Kết thúc phiên 20/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,91 USD (+1,1%), lên 83,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,74 USD (+0,9%), lên 85,82 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục