Giới đầu tư túc tắc giao dịch khi đón nhận dữ liệu CPI tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall biến động nhẹ trong phiên thứ Tư (10/5) sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 4 gần chính xác như dự báo.
Giới đầu tư túc tắc giao dịch khi đón nhận dữ liệu CPI tháng 4

Dữ liệu quan trọng được chờ đợi nhất đã được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 đã tăng 4,9%. Con số này thấp hơn một chút so với những gì các nhà kinh tế đã dự báo sẽ giữ ổn định ở mức 5% như trong tháng 3.

Trong khi đó, chỉ số lạm phát lõi (CPI lõi) - loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm nhẹ hơn so với mức 5,6% trong tháng Ba.

Matthew Palazzolo, Chiến lược gia đầu tư cao cấp quản lý tài sản cá nhân tại Bernstein, cho biết: "Thị trường đang tính tới khả năng Fed sẽ có lần cắt giảm lãi suất đầu tiên bắt đầu từ mùa hè này. Tuy nhiên, dù lạm phát đang giảm tốc, nhưng nó không giảm tốc với tốc độ có thể biện minh cho việc cắt giảm lãi suất quỹ của Fed bất cứ lúc nào trước quý IV năm 2023".

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hạ nhiệt sau báo cáo lạm phát, hỗ trợ thêm cho thị trường chứng khoán, vốn đang trong trạng thái lo ngại về việc lãi suất cao hơn sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 0,11% xuống còn 3,91%, và kỳ hạn 10 năm lùi 0,08% xuống 3,44%.

Các chỉ số công nghệ và truyền thông, vốn nhạy cảm với lãi suất đã tăng 1,22% và 1,69%, qua đó, giúp S&P 500 và Nasdaq Composite nhích lên.

Giới đầu tư hiện cũng đang theo dõi sát sao các cuộc thảo luận về việc nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD chính phủ liên bang Mỹ.

Kết thúc phiên 10/5, chỉ số Dow Jones giảm 30,48 điểm (-0,09%), xuống 33.531,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,47 điểm (+0,45%), lên 4.137,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 126,89 điểm (+1,04%), lên 12.306,44 điểm.

Cổ phiếu châu Âu giảm, do lạm phát cơ bản mạnh ở Mỹ cho thấy Fed có thể cần phải giữ lãi suất cao trong một thời gian, trong khi một loạt báo cáo thu nhập doanh nghiệp khả quan đã giúp ngăn đà giảm mạnh hơn.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,47% xuống 463,21 điểm.

Chỉ số này nhanh chóng chuyển sang tích cực vào đầu ngày sau khi dữ liệu cho thấy CPI toàn phần trong nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm vào tháng Tư. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn về báo cáo cho thấy lạm phát cơ bản ở Mỹ vẫn ở mức cao.

Các nhà đầu tư cũng theo dõi các cuộc đàm phán về việc tăng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang Mỹ đã bước vào giai đoạn mới vào thứ Tư, với cảnh báo của Bộ Tài chính về khả năng vỡ nợ ngay sau ngày 1/6.

Trong khi đó, thành viên Hội đồng quản trị của ECB, ông Mario Centeno lưu ý rằng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu đang ở đỉnh của chu kỳ, trong khi Giám đốc ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cũng cho rằng, chu kỳ thắt chặt tiền tệ của ECB sẽ kết thúc trong năm nay nếu không có những thay đổi mạnh mẽ.

Trong khi đó, một mùa thu nhập doanh nghiệp tốt hơn mong đợi đã hỗ trợ phần lớn cho chứng khoán.

Cổ phiếu Alcon nằm trong số những mã tăng giá hàng đầu trên STOXX 600 với mức tăng 7,4% sau thu nhập quý đầu tiên tốt hơn mong đợi.

Cổ phiếu nhà sản xuất tuabin gió Đan Mạch Vestas tăng 3,7%, sau khi công bố khoản lợi nhuận quý đầu tiên ngoài mong đợi và duy trì dự báo lạc quan cho cả năm bất chấp bối cảnh khó khăn cho ngành.

Trong số những nơi khác, cổ phiếu Credit Agricole SA tăng 5% sau khi ngân hàng niêm yết lớn thứ hai của Pháp vượt qua ước tính về thu nhập quý đầu tiên khi doanh thu giao dịch tăng.

Theo dữ liệu của Refinitiv, trong số 205 công ty trong STOXX 600 đã báo cáo thu nhập quý đầu tiên cho đến nay, hơn một nửa đã vượt qua ước tính của các nhà phân tích.

Kết thúc phiên 10/5: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 32,00 điểm (-0,41%), xuống 7.732,09 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 59,25 điểm (-0,37%), xuống 15.896,23 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 35,97 điểm (-0,49%), xuống 7.361,20 điểm.

Giá dầu gần đây chịu áp lực giảm do triển vọng kinh tế xấu đi vì cuộc khủng hoảng ngân hàng và do sự suy yếu thường thấy của nhu cầu năng lượng trong mùa xuân.

Kết thúc phiên 10/5, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,15 USD/thùng (-1,58%), xuống 72,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,03 USD/thùng (-1,35%), xuống 76,41 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục