Giới đầu tư tiếp tục giao dịch thận trọng sau cảnh báo của Chủ tịch Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch khá ảm đạm vào thứ Ba (16/4), khi nhà đầu tư thận trọng về lãi suất trong tương lai khi mà nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng với lạm phát dai dẳng.
Giới đầu tư tiếp tục giao dịch thận trọng sau cảnh báo của Chủ tịch Fed

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết hôm thứ Ba rằng các dữ liệu về lạm phát gần đây đã không mang lại cho các nhà hoạch định chính sách đủ tự tin để sớm nới lỏng tiền tệ và ông lưu ý rằng Fed có thể cần phải giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn so với dự báo trước đây.

Phiên này, Dow Jones nhận được sự thúc đẩy từ Tập đoàn UnitedHealth khi cổ phiếu này tăng hơn 5,2%, sau khi công bố doanh thu quý đầu tiên của năm 2024 tăng 8,55% so với cùng kỳ năm trước lên 99,8 tỷ USD, một lần nữa vượt qua ước tính của các nhà phân tích là 99,29 tỷ USD

Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản và tiện ích là những lực cản lớn nhất đối với S&P 500, trong khi công nghệ nhích lên để bù đắp một phần.

"Mọi người đang cố gắng cân bằng câu chuyện hai mặt này: tăng trưởng kinh tế Mỹ có vẻ thực sự tốt, nhưng đồng thời bức tranh lạm phát và lãi suất vẫn cũng vẫn tăng nóng hơn dự báo và cuối cùng sẽ là ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán", James St. Aubin, Giám đốc đầu tư tại Sierra Mutual Funds ở California, cho biết.

Một báo cáo hôm thứ Hai cho thấy doanh số bán lẻ tăng hơn dự kiến trong tháng Ba, một dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất trong năm tháng vào thứ Ba.

Phiên này, giao dịch tại một số cổ phiếu lớn đáng chú ý như Morgan Stanley tăng 2,5% sau khi lợi nhuận quý I vượt ước tính. Trong khi Bank of America giảm 3,5% sau khi công bố lợi nhuận quý I suy giảm do tăng các khoản dự phòng.

Cổ phiếu Tesla giảm 2,7%, một ngày sau khi giảm hơn 5% do tin tức rằng nhà sản xuất EV có kế hoạch sa thải hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu.

Kết thúc phiên 16/4: Chỉ số Dow Jones tăng 63,86 điểm (+0,17%), lên 37.798,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,41 điểm (-0,21%), xuống 5.051,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 19,77 điểm (-0,12%), xuống 15.865,25 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm mạnh, với cổ phiếu các công ty khai thác và ngân hàng dẫn đầu đà đi xuống, khi các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,53% xuống 498,21 điểm, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 7/3.

Cổ phiếu tài nguyên cơ bản giảm 3,1%, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ giữa tháng 8, do giá đồng suy yếu bởi dữ liệu nhà máy yếu của Trung Quốc và đồng đô la Mỹ vững chắc.

Nhóm ngân hàng mất 2,6%, cũng là mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 8, với mức giảm 3% của HSBC của Anh và ngân hàng lớn nhất khu vực đồng euro BNP Paribas.

Các chỉ số chính ở Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đều giảm hơn 1%, khi tâm lý thận trọng được đặt lên hàng đầu khi chờ đợi phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào nước này.

"Có những rủi ro tăng giá liên quan đến căng thẳng Trung Đông và những điều này sẽ làm tăng thêm sự thận trọng của các ngân hàng trung ương, nhưng chúng ta vẫn thấy khả năng cao ECB và Ngân hàng Trung ương Anh cắt giảm lãi suất từ tháng Sáu", nhà kinh tế trưởng toàn cầu Jennifer McKeown của Capital Economics viết.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn cảnh báo khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 6 khi lạm phát lùi xuống mức 2% vào năm tới.

Trọng tâm hiện tại đang tập trung vào mùa kết quả kinh doanh quý I/2024, với lợi nhuận dự kiến của các công ty sẽ giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu mới của LSEG cho thấy.

Kết thúc phiên 16/4: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 145,17 điểm (-1,82%), xuống 7.820,36 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 260,35 điểm (-1,44%), xuống 17.766,23 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 112,50 điểm (-1,40%), xuống 7.932,61 điểm.

Giá dầu thô giảm, khi giới đầu tư chậm lại chờ đợi những tín hiệu mới từ Israel sau vụ tấn công trực tiếp của Iran.

Kết thúc phiên 16/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,05 USD (-0,07%), xuống 85,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,08 USD (-0,09%), xuống 90,02 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục