Sau phiên lao dốc cuối tuần qua, phố Wall giao dịch giằng co trong phiên đầu tuần mới và đóng cửa gần như không đổi, trong đó Dow Jones may mắn có được sắc xanh.
Dow Jones có được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ đến từ cổ phiếu Boeing tăng 2,3% sau khi hãng sản xuất máy bay lớn nhất của Mỹ này cho biết, sẽ mời hơn 200 phi công, lãnh đạo kỹ thuật và các nhà quản lý các hãng hàng không đến dự buổi thông báo thông tin về cập nhật phần mềm và khả năng quay trở lại bầu trời của dòng máy bay 737 MAX.
Trong khi đó S&P 500 và Nasdaq vẫn có sắc đỏ do chị tác động từ việc cổ phiếu Apple giảm 1,2% sau khi nhà sản xuất iPhone tiết lộ về dịch vụ truyền phát trực tuyến Apple TV + và dịch vụ đăng ký Kênh Apple TV, tham gia vào một thị trường đầy cạnh tranh.
Các nhà đầu tư cũng không phản ứng nhiều với báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller rằng chiến dịch của Tổng thống Donald Trump không thông đồng với Nga. Bởi báo cáo đã không giải quyết được vấn đề liệu ông Trump có cản trở công lý hay không bằng cách làm suy yếu các cuộc điều tra.
Nhà đầu tư đang hướng vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Hiện các quan chức của Mỹ đã tới Bắc Kinh để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo.
Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Dow Jones tăng 14,51 điểm (+0,06%), lên 25.516,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,35 điểm (-0,08%), xuống 2.798,36 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,13 điểm (-0,07%), xuống 7.637,54 điểm.
Trong khi đó, lo lắng về suy thoái kinh tế khiến chứng khoán châu Âu tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhưng đà giảm khiêm tốn hơn nhiều so với phiên cuối tuần trước nhờ nhà đầu tư phản ứng với tín hiệu tích cực từ Brexit khi có nhiều người Anh phản đối Brexit và khả năng có cuộc trưng cầu dân ý lại về vấn đề này.
Kết thúc phiên 25/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,01 điểm (-0,42%), xuống 7.177,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 17,52 điểm (-0,15%), xuống 11.346,65 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 9,27 điểm (-0,18%), xuống 5.260,64 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chịu tác động từ phiên lao dốc trước đó trên phố Wall khi đường cong lãi suất trái phiếu của Mỹ bị đảo ngược, gây lo ngại về suy thoái kinh tế, chứng khoán châu Á cũng bị bán tháo trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tháng.
Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 650,23 điểm (-3,01%), xuống 20.977,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 61,12 điểm (-1,97%), xuống 3.043,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 590,01 điểm (-2,03%), xuống 28.523,35 điểm.
Những lo lắng về suy thoái kinh tế đã tạo năng lượng cho giá vàng bứt phá tiếp trong phiên giao dịch đầu tuần mới, lên mức cao nhất 4 tuần.
Kết thúc phiên 25/3, giá vàng giao ngay tăng 8,0 USD (+0,61%), lên 1.321,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 10,3 USD (+0,79%), lên 1.322,6 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô lại trái chiều trong phiên đầu tuần khi những lo lắng về suy thoái kinh tế được bù đắp bởi nguồn cung sụt giảm tại Mỹ.
Cụ thể, theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu của Mỹ tuần trước sau khi đã giảm 10 triệu thùng trong tuần trước đó nữa, tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên 25/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,22 USD (-0,37%), xuống 58,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,18 USD (+0,27%), lên 67,21 USD/thùng.