Giới đầu tư “thèm ăn”

(ĐTCK) Các tin tức tích cực về thỏa thuận thương mại, cùng dữ liệu kinh tế khả quan đã kích thích sự “thèm ăn” của giới đầu tư, qua đó giúp chứng khoán thế giới khởi sắc trong phiên cuối tuần qua (17/1).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Theo dữ liệu vừa công bố của Trung Quốc, dù có năm tăng trưởng thấp nhất 30 năm, nhưng nó cũng cho thấy đà tăng trưởng GDP vững chắc của nền lớn thứ 2 thế giới, mức tăng chậm không có thấp như lo ngại trước đó.

Trong khi đó, theo dữ liệu vừa công bố, xây nhà mới của Mỹ trong tháng 12/2019 đã tăng lên mức cao nhất 13 tháng cho thấy sự phục hồi trở lại của thị trường nhà đất.

Thêm một thông tin hỗ trợ cho thị trường nữa là Mỹ - Trung đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và các bước tiến triển mới trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU để dập tắt ngọn lửa chiến tranh thương mại giữa 2 bờ Đại Tây Dương.

Kết thúc phiên 17/1, chỉ số Dow Jones tăng 50,46 điểm (+0,17%), lên 29.348,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,81 điểm (+0,39%), lên 3.329,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 31,81 điểm (+0,34%), lên 9.388,94 điểm.

Với phản ứng tích cực với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung, phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong tuần, qua đó tiếp tục có tuần tăng điểm tiếp theo, trong đó Nasdaq có tuần tăng thứ 8 liên tiếp, còn Dow Jone và S&P 500 là tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, Dow Jones tăng 1,82%, S&P 500 tăng 1,97% và Nasdaq tăng 2,29%.

Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần qua sau khi Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan cho biết, ông đã có một cuộc trao đổi quan điểm tốt với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington, nhấn mạnh mong muốn của EU để đàm phán các giải pháp cho một số tranh chấp thương mại mở giữa 2 bờ Đại Tây Dương.

Đây là một bước tiến trong việc giải quyết các vấn đề tranh cãi lâu dài giữa 2 bên, nhất là về thuế kỹ thuật số và trợ cấp máy bay của Pháp.

Nó cũng thêm vào sự lạc quan của các nhà đầu tư sau khi Mỹ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại tạm thời vào đầu tuần. Cùng với đó, dấu hiệu cải thiện của kinh tế Trung Quốc cũng tạo sự hứng khởi cho các nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 17/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 64,75 điểm (+0,85%), lên 7.674,56 điểm. Chỉ số DAX tăng 96,70 điểm (+0,72%), lên 13.526,13 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 61,69 điểm (+1,02%), lên 6.100,72 điểm.

Sau 2 tuần trái chiều liên tiếp với mức biến động không lớn (ngoại trừ chứng khoán Đức), chứng khoán châu Âu đã tìm thấy sự đồng tuần trong tuần qua khi đồng loạt tăng điểm. Trong đó, chỉ số DAX tăng 0,32% sau khi tăng mạnh 2% tuần trước, chỉ số FTSE 100 đảo chiều tăng 1,14% sau 4 tuần giảm liên tiếp, chỉ số CAC 40 tăng 1,05% sau khi giảm nhẹ 0,12% tuần trước.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc tiếp tục duy trì đà tăng, chứng khoán đảo chiều hồi phục khi giới đầu tư kỳ vọng vào thương mại toàn cầu và các biện pháp kích thích kinh tế sắp tới của Trung Quốc sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có năm tăng trưởng chậm nhất 30 năm trong  năm 2019.

Ngoài ra, dữ liệu sản xuất công nghiệp mạnh mẽ vừa công bố cho thấy, có dấu hiệu cải thiện của nền kinh tế Trung Quốc.

Kết thúc phiên 17/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 108,13 điểm (+0,45%), lên 24.041,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,41 điểm (+0,05%), lên 3.075,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 173,38 điểm (+0,60%), lên 29.056,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,52 điểm (+0,11%), lên 2.250,57 điểm.

Chứng khoán châu Á lại đồng loạt tăng điểm trong tuần qua, trong đó chứng khoán Nhật Bản tăng 0,82% sau khi giảm 0,76% tuần trước đó (tuần trước đó, chứng khoán Nhật Bản chỉ giao dịch 1 phiên duy nhất);  chứng khoán Trung Quốc có tuần tăng thứ 21 liên tiếp với mức tăng 0,28% chứng khoán Hồng Kông thậm chí có tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng 0,66%, trong khi chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều tăng 1,38% sau khi giảm 1,26% trong tuần trước.

Dù dữ liệu kinh tế tích cực giúp chứng khoán khởi sắc, nhưng giá vàng vẫn đảo chiều tăng trở lại trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư muốn phân tán rủi ro khi chứng khoan đã lập đỉnh lịch sử mới.

Kết thúc phiên 17/1, giá vàng giao ngay tăng 4,8 USD (+0,31%), lên 1.556,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 9,8 USD (+0,63%), lên 1.560,3 USD/ounce..

Sau 5 tuần tăng liên tiếp, giá vàng giao ngay đã quay đầu điều chỉnh nhẹ 0,35%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 2 gần như không đổi.

Theo nhiều nhà phân tích, với việc cổ phiếu đã ở mức đỉnh, nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển dòng tiền sang vàng để phân tán rủi ro. Ngoài ra, những lo ngại về kinh tế và địa chính trị cũng là lý do khiến giá vàng có thể tăng trong tuần mới. Do đó, trong cuộc khảo sát tuần này, đa số nhà phân tích và đầu tư đều đánh giá cao khả năng tăng của giá vàng.

Cụ thể, trong 13 chuyên gia trả lời khảo sát, có 10 người, chiếm 77% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, cao hơn nhiều so với con số 44% của tuần trước; không có ai dự báo giảm, trong khi tuần trước là 31%; và 3 người dự báo đi ngang, chiếm 23%.

Tương tự, trong 820 người tham gia trả lời trực tuyến, có 475 lượt, chiếm 58% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn con số 47% của tuần trước; 208 dự báo giảm, chiếm 25%, thấp hơn con số 31% của tuần trước; và 137 người, chiếm 17% dự báo giá vàng đi ngang.

Trong khi đó, giá dầu chỉ tăng nhẹ trong phiên cuối tuần dù kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại, nhưng bù đắp cho kỳ vọng này là tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2019 thấp nhất 30 năm. Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên 17/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 58,54 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,23 USD (+0,35%), lên 64,85 USD/thùng.

Dù hồi phục 2 phiên cuối tuần, nhưng với các phiên giảm mạnh đầu tuần khi căng thẳng Mỹ - Iran hạ nhiệt khiến giá dầu thô có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn rất nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 0,85% và giá dầu thô Brent giảm 0,20%. Mức giảm lần lượt của tuần trước đó là 6,36% và 5,28%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục