Trong phần lớn thời gian của ngày, thị trường chật vật tìm hướng đi trong bối cảnh thu nhập đáng thất vọng từ Tyson Foods và Catalent và sự phục hồi ngắn ngủi của các ngân hàng khu vực.
Cổ phiếu của Catalent sụt giảm gần 26% khi nhà sản xuất thuốc theo hợp đồng này thông báo doanh thu và lợi nhuận cốt lõi thấp hơn vào năm 2023, trong khi Tyson Foods giảm hơn 16%, khi bất ngờ thua lỗ trong quý vừa qua và cắt giảm dự báo doanh thu trong năm.
Mặc dù vậy, tâm điểm chú ý trong tuần này sẽ là số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được thông báo thứ Tư, dự kiến sẽ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có khả năng tăng 0,4% trong tháng 4, sau khi đã tăng 0,1% trong tháng 3.
Các dữ liệu khác như chỉ số giá sản xuất, đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần và tâm lý người tiêu dùng đều được thông báo trong tuần này.
Các dữ liệu trong tuần này sẽ giúp các nhà đầu tư không chỉ đánh giá liệu chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ của Fed có đang hướng tới việc kiềm chế được lạm phát hay không, mà còn liệu lo ngại về lạm phát dai dẳng có cơ sở hay không.
"Bức tranh lớn hơn là lạm phát sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và chúng ta đang tiến vào suy thoái”, Michael James, Giám đốc điều hành giao dịch cổ phiếu tại Wedbush Securities nhận định.
Kết thúc phiên 8/5, chỉ số Dow Jones giảm 55,69 điểm (-0,17%), xuống 33.618,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,87 điểm (+0,04%), lên 4.138,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,50 điểm (+0,18%), lên 12.256,92 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng, với cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và ngân hàng dẫn đầu, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ vào cuối tuần này để có manh mối mới về con đường chính sách tiền tệ của Fed.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,34% lên 466,91 điểm.
Điểm chuẩn của chứng khoán châu Âu đã chịu áp lực vào tuần trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), không giống như Fed, đã báo hiệu rằng sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa khi lạm phát trên 20 quốc gia sử dụng chung đồng euro vẫn ở mức cao.
Trọng tâm theo dõi của giới đầu tư hiện đang là số liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cho tháng 4 dự kiến sẽ thông báo vào thứ Tư.
"Các quan chức Fed có thể sẽ thận trọng trong việc thừa nhận tiến bộ trên mặt trận kiềm chế lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ cần phải có thêm vài tháng cải thiện bền vững trước khi họ bắt đầu nghĩ về việc lạm phát đã trong tầm kiểm soát", các nhà kinh tế tại BNP Paribas viết trong một lưu ý.
Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chăm sóc sức khỏe tăng khoảng 0,8% mỗi ngành, dẫn đầu mức tăng của ngành ở châu Âu, trong khi cổ phiếu bất động sản.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu SBB của Thụy Điển giảm mạnh gần 20%, sau khi S&P Global giảm xếp hạng tín nhiệm dài hạn xuống mức rác do lo ngại về tình hình thanh khoản.
Thị trường chứng khoán ở London đã đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Hai sau lễ đăng quang của Vua Charles vào thứ Bảy.
Kết thúc phiên 8/5: chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 8,19 điểm (-0,05%), xuống 15.952,83 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 7,98 điểm (+0,11%), lên 7.440,91 điểm.
Giá dầu thô tăng trở lại khi lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ giảm bớt và một số thương nhân nhận thấy giá dầu thô trượt dốc quá sâu trong ba tuần liên tiếp do lo ngại nhu cầu.
Kết thúc phiên 8/5, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,82 USD/thùng (+2,49%), lên 73,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,71 USD/thùng (+2,22%), lên 77,01 USD/thùng.