Sau 2 phiên tăng điểm mạnh liên tiếp, phố Walld đã có sự trái chiếu trong phiên thứ Ba. Trong khi Dow Jones và S&P 500 giằng co và đóng cửa trái chiều với Dow Jones điều chỉnh nhẹ, còn S&P may mắn có được sắc xanh nhạt, thì chỉ số Nasdaq với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục thiết lập đỉnh lịch sử trong phiên thứ 2 liên tiếp.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy, hoạt động ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 5 tiếp tục tăng nhanh, củng cố cho đà tăng trưởng tốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang thận trọng trước khả năng cuộc chiến thương mại và thiếu hụt nhân công có thể ảnh hưởng tới triển vọng phát triển trong tương lai của nền kinh tế.
Trong phiên thứ Ba, Dow Jones và S&P 500 chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này giảm cùng lợi suất trái phiếu.
Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Dow Jones giảm 13,71 điểm (-0,06%), xuống 24.799,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,93 điểm (+0,07%), lên 2.747,80 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 31,40 điểm (+0,41%), lên 7.637,86 điểm.
Tương tự phố Wall, trên thi trường chứng khoán châu Âu, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng tăng mạnh lên mức cao nhất 17 năm, nhưng không đủ sức để giúp thị trường khu vực này có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng suy giảm. Kết thúc phiên thứ Ba, trong khi chứng khoán Anh và Pháp quay đầu điều chỉnh, thì chứng khoán Đức lại tiếp tục có được sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên 5/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 54,49 điểm (-0,70%), xuống 7.686,80 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 16,38 điểm (+0,13%), lên 12.787,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 11,96 điểm (-0,22%), xuống 5.460,95 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba nhờ dữ liệu kinh tế tích cực, nhưng mức tăng nhẹ hơn nhiều so với phiên trước đó khi nhà đầu tư thận trọng trước các ngưỡng kháng cự mới.
Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 63,60 điểm (+0,28%), lên 22.539,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 95,47 điểm (+0,31%), lên 31.093,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,01 điểm (+0,74%), lên 3.114,21 điểm.
Trong phiên thứ Ba, việc đồng USD tiếp tục sụt giảm đã đẩy giá vàng tăng khá mạnh, nhưng khi chạm mốc kháng cự 1.300 USD/ounce, giá kim loại quý này đã bị đẩy trở lại, hãm bớt đà tăng khi đóng cửa.
Kết thúc phiên 5/6, giá vàng giao ngay tăng 4,3 USD (+0,33%), lên 1.295,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 4,4 USD/ounce (+0,34%), lên 1.297,5 USD/ounce.
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên đầu tuần khi Mỹ yêu cầu Ả Rập Xê út và các nhả sản xuất lớn khác tăng sản lượng, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 5/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,77 USD (+1,18%), lên 65,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,09 USD (+0,12%), lên 75,38 USD/thùng.