Giới đầu tư sốc với dữ liệu việc làm của Mỹ

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm trong tháng trước vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố đã gây sốc cho các nhà đầu tư, khiến phố Wall quay đầu giảm điểm trong ngày giao dịch cuối tuần (3/4).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu cho thấy, trong tháng 3, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ giảm tới 701.000 việc làm do ảnh hưởng của dại dịch Covid-19, chấm dứt chuỗi 113 tháng liên tục tăng trưởng của thị trường lao động.

Con số này, cùng với số liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tuần trước lên tới 6,65 triệu đơn, nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 2 tuần qua lên tới mức kỷ lục 9,96 triệu đơn, tương đương với mức đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu tiên khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 - 2009 xảy ra.

Những dữ liệu trên đã khiến giới đầu tư bị sốc cho thấy mức ảnh hưởng quá nặng nề của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên nhanh chóng bán mạnh bất chấp phía trước là những gói kích cầu lớn, khiến phố Wall quay đầu giảm hơn 1,5% trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Dow Jones giảm 360,91 điểm (-1,69%), xuống 21.052,53 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 38,25 điểm (-1,51%), xuống 2.488,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 114,23 điểm (-1,53%), xuống 7.373,08 điểm.

Dù có 2 phiên tăng trong tuần, nhưng không thể đủ bù đắp cho 3 phiên giảm còn lại, khiến phố Wall quay đầu giảm trong tuần qua sau tuần hồi phục mạnh trước đó.  Cụ thể, trong tuần chỉ số Dow Jones giảm 2,70%, chỉ số S&P giảm 2,08% và Nasdaq giảm 1,72%.

Tổn thất về kinh tế do đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên rõ ràng hơn khiến chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 3/4, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 64,72 điểm (-1,18%), xuống 5.415,50 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 45,05 điểm (-0,47%), xuống 9.525,77 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 66,37 điểm (-1,57%), xuống 4.154,58 điểm.

Chứng khoán châu Âu trái chiều sau tuần hồi phục mạnh trước đó. Cụ thể trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,72%, chỉ số DAX tiếp tục tăng 1,74%, chỉ số CAC40 giảm 4,53%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà tăng của các thị trường đã chững lại khi số ca nhiễm nCoV trên toàn cầu vượt con số 1 triệu. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản lại chấm dứt được chuỗi giảm mạnh trước đó nhờ nhóm cổ phiếu y tế và năng lượng tăng mạnh bù đắp cho nỗi lo Tokyo có thể bị hạn chế đi lại trong thời gian tới khi cố ca nhiễm nCoV tăng mạnh.

Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1,47 điểm (+0,01%), lên 17.820,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,65 điểm (-0,60%), xuống 2.763,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 43,95 điểm (-0,19%), xuống 23.236,11 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 0,58 điểm (+0,03%), lên 1.725,44 điểm.

Với chuỗi 4 phiên giảm mạnh đầu tuần, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm 8,09% sau khi có tuần tăng mạnh nhất lịch sử trước đó. Chỉ số Hang Seng đảo chiều giảm 1,06%, chỉ số Shanghai Composite cũng đảo chiều giảm 0,30%, trong khi chỉ số Kospi tiếp tục tăng 0,45%.

Giá vàng giằng co nhẹ quanh mức đóng cửa của phiên thứ Năm, nhưng vẫn duy trì được phiên tăng tiếp theo trong ngày cuối tuần khi chứng khoán đảo chiều giảm.

Kết thúc phiên 3/4, giá vàng giao ngay tăng 11,6 USD (+0,72%), lên 1.621,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 8 USD (+0,49%), lên 1.633,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 8 USD (+0,49%), lên 1.645,7 USD/ounce.

Sau tuần hồi phục trước đó, giá vàng có sự trái chiều trong tuần qua, nhưng mức biến động thấp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,38%, giá vàng tương lai giao tháng 4 tiếp tục tăng 0,54%, còn giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 0,51%.

Với việc các quốc gia đua nhau tung ra các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến giới phân tích và đầu tư đều đặt cược vào đà tăng tiếp theo của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 12 chuyên gia được hỏi trả lời tuần này, có tới 11 chuyên gia, chiếm 92% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn con số 71% của tuần trước. Chỉ có 1 người dự báo giá đi ngang, chiếm 8% và không có ai dự báo giảm.

Tương tự, trong 1.245 lượt nhà đầu tư trả lời thăm dò trực tuyến, có 834 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, chiếm 67%, thấp hơn con số 71% của tuần trước; 235 lượt, chiếm 19% dự báo giá sẽ còn giảm, cao hơn con số 15% của tuần trước và 176 lượt, chiếm 14% dự báo giá đi ngang.

Trong khi đó, kỳ vọng vào việc Nga và OPEC, dẫn đầu là Ả Rập Xê út sẽ ngồi lại với nhau vào thứ Hai này (6/4) để bàn về thỏa thuận cắt giảm sản lượng như đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp giá dầu thô tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, nhiều khà năng đà tăng này sẽ không được duy trì khi cuộc họp này đã hoãn lại vào thứ Năm và những bất đồng sâu sắc giữa Nga và Ả Rập Xê út nhiều khả năng khó hàn gắn trong thời gian ngắn.

Kết thúc phiên 3/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 3,02 USD (+10,66%), lên 28,34 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 4,17 USD (+12,23%), lên 34,11 USD/thùng.

Với 2 phiên tăng vọt cuối tuần, giá dầu thô đã có tuần tăng mạnh nhất trong gần 40 năm và chấm dứt chuỗi 3 tuần lao dốc trước đó. Cụ thể trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 31,75%  giá dầu thô Brent tăng 36,82%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục