Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Ba khi giá dầu vẫn lao dốc, trong khi tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ chậm hơn dự kiến.
Theo dữ liệu vừa được công bố trong ngày, tốc độ tăng trưởng dịch vụ tháng 12 chậm hơn dự báo và đơn đặt hàng mới cho hàng hóa sản xuất trong tháng 11 giảm tháng thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ giảm xuống dưới 48 USD/thùng, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng mất hơn 1,3%, qua đó tác động mạnh tới thị trường chung.
Những dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố, cũng như sự sụt giảm của giá dầu khiến cho mối lo về suy thoái kinh tế toàn cầu một lần nữa lại tăng lên với nhà đầu tư. Đây cũng chính là lý do giới đầu tư đẩy mạnh bán ra trên thị trường chứng khoán, để tìm đến các kênh trú ẩn an toán khác như USD, yên, vàng…
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số Dow Jones giảm 130,01 điểm (-0,74%), xuống 17.371,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,97 điểm (-0,89%), xuống 2.002,61 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 59,84 điểm (-1,29%), xuống 4.592,74 điểm.
Ngoài ảnh hưởng bởi giá dầu, nỗi lo về cuộc khủng hoảng Hy Lạp vẫn đang lơ lửng trên đầu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu. Vì vậy, việc chứng khoán khu vực này tiếp tục có phiên giảm điểm là điều tất yếu. Tuy nhiên, đà giảm nhẹ hơn rất nhiều so với phiên đầu tuần. Báo chí Đức dẫn nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Đức cho biết, Đức đã chuẩn bị kế hoạch một khi Hy Lạp muối rời khỏi khu vực đồng tiền chung (eurozone).
Mặc dù vậy, theo phân tích của giới chuyên môn, vấn đề Hy Lạp tác động tới eurozone hiện nay không còn đáng lo ngại như 6 năm trước. Trong 2009-2010, việc Hy Lạp vỡ nợ đã đe dọa lây lan sang các nước khác trong khu vực eurozone, những cuộc biểu tình rầm rộ sau đó tại quốc gia này để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng và sự can thiệp mạnh tay của các chủ nợ cũng đe dọa châm ngòi cho sự nổi dậy khác ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, buộc các nước lớn khác trong khu vực là Đức, Pháp phải hành động quyết liệt để giúp duy trì sự ổn định của khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, theo các chuyên gia, nếu Hy Lạp rời khỏi eurozone, quốc gia này sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn khi phải tự một mình giải quyết vấn đề nợ của mình và khả năng vay trên thị trường quốc tế cũng khó khăn hơn. Trong khi đó, tác động của nó tới các nước khác trong khu vực cũng đã giảm thiểu, vì vậy, nhà đầu tư có lý do để không quá lo lắng về vấn đề Hy Lạp. Tới đây, những người đau đầu chính là những lãnh đạo mới của Hy Lạp.
Cái mà giới đầu tư châu Âu quan tâm hiện nay chính là vấn đề kinh tế. Theo dữ liệu mới công bố, chỉ số PMI tháng 12 của khu vực lại tăng nhẹ từ mức 51,1 lên 51,4, nhưng cũng không đạt kỳ vọng của giới phân tích, trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của khu vực eurozone lần đầu tiên giảm kể từ năm 2009 trong tháng 12/2014, tăng nguy cơ giảm phát và gây áp lực lớn quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp vào ngày 22/1 tới đây.
Nhiều dự đoán cho rằng, ECB sẽ phải đưa ra chương trình kich thích định lượng để giúp kinh tế khu vực thoát khoải suy thoái.
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 50,65 điểm (-0,79%), xuống 6.366,51 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 3,50 (-0,04%), xuống 9.469,66 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,86 điểm (-0,68%), xuống 4.083,50 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, những lo ngại về cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro, mà khởi nguồn là từ Hy Lạp khiến giới đầu tư trở nên thận trọng. Trong khi đó, đồng yên tăng lên khi đây là một trong những nơi trú ẩn ưa thích của giới đầu tư mỗi khi có khủng hoảng khiến cho đồng bạc này tăng mạnh, qua đó tác động không tích cực lên nền kinh tế Nhật Bản vốn có thể mạnh về xuất khẩu. Hai yêu tố trên khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm tồi tệ nhất trong 10 tháng trong phiên 6/1. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm khá, trong khi đà tăng như vũ bão của chứng khoán Trung Quốc đại lục đã bị hãm lại.
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số Nikkei 225 giảm 525,52 điểm (-3,02%), xuống 16.883,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 235,91 điểm (-0,99%), xuống 23.485,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 0,93 điểm (+0,03%), lên 3.351,45 điểm.
Những lo lắng khiến chứng khoán giảm điểm lại chính là động lực để vàng đi lên. Giá kim loại quý tiếp tục có phiên tăng thứ 4 liên tiếp khi bước vào năm mới 2015 và leo lên mức cao nhất 3 tuần, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá dầu giảm và đồng USD vẫn mạnh lên.
Kết thúc phiên 6/1, giá vàng giao ngay tăng 14,2 USD (+1,18%), lên 1.219,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 tăng 15,0 USD (+1,25%), lên 1.219,4 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục lao dốc và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp kể từ khi bước vào năm mới với mức giảm 10% sau khi đã mất 46% trong năm 2014.
Kết thúc phiên 6/1, giá dầu thô Mỹ giảm 2,1 USD/thùng (-4,2%), xuống 47,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,01 USD (-3,93%), xuống 51,10 USD/thùng.