Thứ Hai: Trung Quốc có Thống đốc ngân hàng trung ương mới
5 tháng sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gợi ý việc nghỉ hưu sau 15 năm nắm quyền, chính quyền Đại lục đã lựa chọn được người kế nhiệm là ông Yi Gang, Phó thống đốc PBOC trong 10 năm qua.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc lựa chọn nhân vật quyền lực thứ hai tại PBOC làm Thống đốc cho thấy xu hướng duy trì những chính sách tiền tệ hiện tại của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không ít lần gây bất ngờ cho thị trường toàn cầu bởi các quyết định đột ngột. Do đó, các thành viên thị trường sẽ quan sát kỹ càng hơn mọi động thái từ vị thống đốc mới này.
Thứ Ba: G-20 công bố triển vọng kinh tế
Thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính của các quốc gia thuộc nhóm G-20 sẽ nhóm họp lần đầu tiên trong năm nay tại Buenos Aires. Theo đó, vào ngày thứ Ba, các nội dung thảo luận, bao gồm đồng tiền điện tử, kế hoạch đánh thuế lên nhôm thép của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ phần nào được công bố.
Tại đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hẳn sẽ có vài ngày không lấy làm dễ chịu, khi không ít chính phủ các quốc gia đang tiến hành vận động hành lang để được miễn trừ thuế xuất khẩu nhôm thép sang Mỹ, trong khi một số khác chỉ trích hành động của Hoa Kỳ và cảnh báo về cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu có thể xảy ra.
Thứ Tư: Fed tăng lãi suất
Tân Chủ tịch của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell lần đầu tiên xuất hiện với tư cách mới, trở thành Chủ tịch của Hội nghị với Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed vào ngày thứ Tư (21/3).
Với các yếu tố như nền kinh tế tăng trưởng tích cực, thị trường lao động được cải thiện, Fed đã quyết định nâng lãi suất cho vay lên mức 1,5 - 1,75%/năm .
Hiện tại, câu hỏi lớn nhất là liệu các quan chức của Fed có trở nên lạc quan hơn nữa với triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 để tiến hành 4 lần nâng lãi suất, thay vì 3 lần như kế hoạch được đưa ra vào cuộc họp gần đây nhất (tháng 12/2017).
Bên cạnh cuộc họp của Fed, Ngân hàng Trung ương Brazil cũng sẽ tiến hành phiên họp chính sách, với dự báo sẽ tiếp tục hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục từ trước tới nay.
Thứ Năm: Ngân hàng trung ương Anh sẵn sàng nâng lãi suất
Các thành viên thị trường kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ tiến hành nâng lãi suất vào tháng 5. Bởi vậy, động thái nâng lãi suất bất ngờ của BOE vào tuần này nếu xảy ra sẽ gây sốc với toàn bộ thị trường. Sau một thời gian dài duy trì lãi suất ở mức thấp, tính tới tháng 1/2018, giá trị các khoản nợ không bảo đảm tại Anh đã đạt 208 tỷ bảng, theo số liệu của BOE, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Thị trường có lý do để lo ngại BOE sẽ nâng lãi suất trong phiên họp này, bởi mức lạm phát tại Anh đang cao hơn 1% so với mức lạm phát mục tiêu, đồng thời giới chức nước này lo ngại rằng việc duy trì lãi suất thấp quá lâu sẽ để lại nhiều hệ lụy.
Trong ngày hôm nay, ngân hàng trung ương New Zealand, Philippines và Indonesia cũng có các phiên họp chính sách.
Thứ Sáu: Mỹ áp thuế lên nhôm thép
Đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thông báo về việc sẽ áp thuế 25% lên thép và 10% lên sản phẩm nhôm và quy định này sẽ có hiệu lực kể từ thứ Sáu (20/3). Hiện tại, Canada, Mexico đã nằm trong danh sách được loại trừ, trong khi chính quyền Mỹ để cửa mở cho Australia, cũng như một số đồng mình khác nếu các quốc gia này có thể chứng tỏ đang thực hiện các giao dịch thương mại công bằng và không đe dọa tới an ninh quốc gia.
Trước động thái của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố sẽ có hành động đáp trả tương tự với những sản phẩm của Mỹ xuất khẩu sang EU. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tiến hành áp thuế lên một số mặt hàng nông sản của Mỹ xuất sang Đại lục. Chính diễn biến này khiến các thành viên thị trường lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể xảy ra.