Giới đầu tư ngày càng tin thị trường đã tạo đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tăng điểm vào thứ Tư (2 /7), nhờ niềm tin mạnh mẽ hơn về việc thị trường đã tạo đáy, trong đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq tăng 1,6% nhờ các tín hiệu khả quan của các công ty lớn.
Giới đầu tư ngày càng tin thị trường đã tạo đáy

Phiên này, các cổ phiếu tăng trưởng đã mở rộng đà đi lên, với các ông lớn như Apple, Amazon.com, Microsoft và Meta Platforms tăng từ 1% đến 4,2%.

Cổ phiếu của Netflix đã tăng 7,4%, nhờ dự báo sẽ quay trở lại mức tăng trưởng khách hàng trong quý III, sau khi công bố lượng thuê bao đăng ký dịch vụ giảm 1 triệu người trong quý vừa qua.

Cổ phiếu các công ty sản xuất chất bán dẫn cũng tăng mạnh sau khi Thượng viện Mỹ thúc đẩy dự luật trị giá 50 tỷ USD để đẩy mạnh hoạt động sản xuất chip ở Mỹ, với cổ phiếu AMD tăng 4,1%, Nvidia tăng 4,8% và Qualcomm nhích gần 3%.

Trong khi đó, các ngành mang tính phòng thủ như y tế và tiện ích công cộng lại ngược chiều giảm điểm, cho thấy không ít nhà đầu tư ngày càng tin rằng thị trường đã tạo đáy.

Thanh khoản gia tăng cũng thúc đẩy tâm lý này, khi khối lượng trên các sàn giao dịch Mỹ đạt 11,51 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 11,43 tỷ trong 20 ngày giao dịch gần nhất. Ngoài ra, chỉ số Biến động tâm lý CBOE (VIX) đóng cửa ở mức 23,79 điểm, cũng đang ở mức thấp nhất trong gần ba tháng.

Dù vậy, Terry Sandven, Chiến lược gia trưởng tại US Bank Wealth Management, cho biết: “Giá cổ phiếu đang như tàu lượn siêu tốc, hiện đang chịu tác động của lạm phát, lãi suất và lợi nhuận quý II. Chúng tôi sẽ cần một loạt các công ty chu kỳ khác báo cáo kết quả kinh doanh để xác nhận xem liệu lạm phát có thực sự đang được kiểm soát hay không”.

Các nhà phân tích kỳ vọng tổng lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 sẽ tăng 5,9% trong mùa báo cáo này, giảm so với ước tính 6,8% vào đầu quý, theo dữ liệu của Refinitiv.

Trong khi đó, mới chỉ khoảng 12% các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh. Trong số đó, 68% số công ty này có lợi nhuận vượt kỳ vọng, theo FactSet.

Kết thúc phiên 20/7, chỉ số Dow Jones tăng 47,79 điểm (+0,15%), lên 31.874,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,21 điểm (+0,59%), lên 3.959,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 184,50 điểm (+1,58%), lên 11.897,65 điểm.

Chứng khoán châu Âu điều chỉnh sau chuỗi tăng ba phiên liên tiếp, do lo lắng xung quanh nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho lục địa này, trong khi chứng khoán Ý vẫn suy yếu do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị xung quanh chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,22% xuống 422,49 điểm.

Đánh vào tâm lý thị trường là thông tin Liên minh châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên cắt giảm sử dụng khí đốt 15% cho đến tháng 3 năm sau, như một bước khẩn cấp sau khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng nguồn cung của Nga gửi qua đường ống lớn nhất đến châu Âu có thể giảm hơn nữa và thậm chí có thể dừng lại.

Lo lắng về cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng ở châu Âu, đồng euro yếu hơn và triển vọng rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát tăng cao có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu đã làm chao đảo thị trường, với chỉ số STOXX 600 giảm 13,4% trong năm nay.

Trong khi đó, chỉ số MIB của Ý phiên này giảm thêm 1,6%, do cổ phiếu ngân hàng đè nặng. Ông Draghi đã yêu cầu Thượng viện tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm để quyết định xem chính phủ liên minh của ông có tiếp tục tại vị hay không.

Trước đó, Tổng thống Ý Sergio Mattarella kêu gọi ông Draghi xem xét lại việc từ chức sau khi liên minh 5 Sao theo chủ nghĩa dân túy tẩy chay một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, khiến chỉ số MIB xuống mức thấp nhất vào tháng 11/2020.

Hiện tại, mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào quyết định chính sách sắp xảy ra của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm, với các nguồn tin cho biết việc tăng lãi suất 0,5% có thể được thảo luận trong cuộc họp.

Trong số các cổ phiếu đơn lẻ, HelloFresh giảm 9,4% sau khi nhà sản xuất đồ ăn của Đức giảm triển vọng năm 2022, với lý do lạm phát, suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và xung đột tại Ukraine.

Cổ phiếu Volvo Cars giảm 5,2% sau khi hãng này đánh dấu sự sụt giảm tiềm năng trong doanh số bán lẻ trong năm nay.

Trái lại, cổ phiếu Uniper tăng 12,7% sau báo cáo rằng chính phủ Đức có kế hoạch mua 30% cổ phần.

Kết thúc phiên 20/7: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 31,97 điểm (-0,44%), xuống 7.264,31 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 26,43 điểm (-0,20%), xuống 13.281,98 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 16,56 điểm (-0,27%), xuống 6.184,66 điểm.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục