Sau phiên giảm mạnh trước đó, trả lại hết những gì đã có được trong phiên đầu tuần mới, phố Wall lình xình quanh tham chiếu trong phiên thứ Tư, nhưng cả 3 chỉ số tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, Nasdaq giảm khá mạnh do ảnh hưởng của nhóm công nghệ, dẫn đầu là đà lao dốc 6,7% của cổ phiếu Amazon khiến giá trị vốn hóa của công ty này bay mất 53 tỷ USD sau khi Tổng thống Trump cho biết, ông muốn kiềm chế lại công ty này.
Ngoài ra, cổ phiếu Tesla tiếp tục mất 7,7% kéo dài chuỗi lao dốc gần đây sau vụ tai nạn gây chết người đầu tiên của xe tự lái.
Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV/2017 chậm lại ít hơn so với công bố trước đó. Theod dó, Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh tăng trưởng GDP quý cuối cùng của năm 2017 lên 2,9% so với mức công bố ban đầu là 2,5%.
Một thông tin đáng quan tâm nữa là Trung Quốc chuẩn bị công bố danh sách đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, gây thêm lo lắng về cuộc chiến thương mại, vừa được vơi bớt trong phiên thứ Hai sau thông tin 2 nước đang đàm phán về vấn đề thương mại.
Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Dow Jones giảm 9,29 điểm (-0,04%), xuống 23.848,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,62 điểm (-0,29%), xuống 2.605,00 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 59,58 (-0,85%), xuống 6.949,23 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại trái chiều trong phiên thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Anh và Pháp tiếp tục duy trì đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu phòng thủ như dược phẩm, hàng tiêu dùng, còn chứng khoán Đức điều chỉnh nhẹ do đà giảm từ nhóm cổ phiếu công nghệ và ô tô với những lo ngại về khả năng sẽ có các quy định chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ.
Kết thúc phiên 28/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,60 điểm (+0,64%), lên 7.044,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 30,12 điểm (-0,25%), xuống 11.940,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 14,70 điểm (+0,29%), lên 5.130,44 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên lao mạnh trở lại trong phiên tối hôm trước của phố Wall khiến chứng khoán châu Á đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông mất tới 2,5%, xuống mức thấp nhất 3 tuần.
Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 286,01 điểm (-1,34%), xuống 21.031,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 768,30 điểm (-2,5%), xuống 30.022,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 44,36 điểm (-1,4%), xuống 3.122,39 điểm.
Dù chứng khoán tiếp tục giảm, nhưng với các dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố tích cực, đồng USD tiếp tục tăng vọt, lên mức cao nhất 1 tuần đã đẩy giá vàng lao dốc trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 28/3, giá vàng giao ngay giảm 20,1 USD/ounce (-1,5%), xuống 1.324,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 20,4 USD/ounce (-1,57%), xuống 1.324,2 USD/ounce.
Giá dầu thô cũng giảm trên dưới 1% trong phiên thứ Tư sau khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng thêm 1,6 triệu thùng. Kho dự trữ tại Cushing, Oklahoma cũng tăng 1,8 triệu thùng. Trong khi sản lượng của Mỹ cũng tăng mạnh trong tuần trước, lên mức kỷ lục mới 10,433 triệu thùng/ngày, vượt qua cả nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Ả Rập Xê út.
Kết thúc phiên 28/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,87 USD (-1,35%), xuống 64,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-0,83%), xuống 69,53 USD/thùng.