Giới đầu tư lo sợ trước chính sách thuế mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch hôm thứ Năm (22/4) khi thị trường run sợ trước những kế hoạch về chính sách thuế mới do Tổng thống Joe Biden đề xuất.
Giới đầu tư lo sợ trước chính sách thuế mới

Thứ Năm, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin, Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra kế hoạch đối với những tầng lớp người giàu nhất tại người Mỹ, bao gồm mức tăng thuế lớn nhất từ ​​trước đến nay đối với lợi nhuận từ đầu tư, để tài trợ khoảng 1.000 tỷ USD cho chương trình chăm sóc trẻ em, phổ cập giáo dục mầm non và nghỉ phép có lương cho người lao động.

Kế hoạch này là một phần trong những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm cải tổ toàn diện hệ thống thuế của Mỹ nhằm mục đích khiến người giàu và các công ty lớn phải trả nhiều tiền thuế hơn, đồng thời góp phần hỗ trợ chương trình nghị sự kinh tế đầy tham vọng của Biden.

Các nguồn tin cũng cho biết, đề xuất tăng từ ​​37% lên 39,6% đối với mức thuế thu nhập tối đa sẽ được đưa ra trong tuần này.

Kế hoạch của ông Biden cũng bao gồm tăng gấp đôi thuế thặng dư vốn đối với các cá nhân kiếm được ít nhất 1 triệu USD hàng năm lên 39,6%. Đây mức thuế thặng dư vốn cao nhất kể từ năm 1920 và vốn là khoản thuế mà hầu hết được trả bởi những người Mỹ giàu có nhất. Mức thuế này đã không vượt quá 33,8% trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ II.

Tin tức về chính sách thuế, vốn là yếu tố quan trọng trong nền tảng chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden, đã gây ra sự sụt giảm mạnh trên Phố Wall trong phiên đêm qua bất chấp báo cáo thất nghiệp hàng tuần tích cực.

Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm báo cáo, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, giảm 39.000 người xuống còn 547.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 17/4, cho thấy tình trạng sa thải đang giảm xuống và củng cố kỳ vọng về một tháng 4 tăng trưởng việc làm mạnh mẽ nữa khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Đây là tuần thứ hai liên tiếp chỉ số trên ở dưới mức 700.000 lần đầu kể từ tháng 3 năm ngoái.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh vẫn tiếp tục diễn ra với American Airlines và Southwest Airlines cho biết, thua lỗ trong quý I của các hãng này đều thấp hơn dự kiến, báo hiệu sự phục hồi nhu cầu đi lại.

Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Dow Jones giảm 321,41 điểm (-0,94%), xuống 33.815,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 38,44 điểm (-0,92%), xuống 4.134,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 131,81 điểm (-0,94%), xuống 13.818,41 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục được bao phủ bởi sắc xanh trong phiên ngày thứ Năm, sau loạt báo cáo kinh doanh tích cực của các công ty lớn, đồng thời Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định không thay đổi chính sách lãi suất thấp.

Kết thúc phiên 22/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 42,95 điểm (+0,62%), lên 6.938,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 124,55 điểm (+0,82%), lên 15.320,52 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 56,73 điểm (+0,91%), lên 6.267,28 điểm.

Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt khi giới đầu tư đổ xô mua các cổ phiếu chu kỳ, với tâm lý được hỗ trợ bởi giao dịch lạc quan trên phố Wall đêm hôm trước.

Chứng khoán Trung Quốc suy yếu, do những căng thẳng mới trong quan hệ Trung - Mỹ gây áp lực tâm lý.

Chứng khoán Hồng Kông tăng theo phần lớn các thị trường châu Á khác, nhưng đà đi lên bị bạn chế bởi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ ảnh hưởng tích cực từ đà hồi phục của nhiều thị trường khác.

Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 679,62 điểm (+2,38%), lên 29.188,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,82 điểm (-0,23%), xuống 3.465,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 133,42 điểm (+0,47%), lên 28.755,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 5,86 điểm (+0,18%), lên 3.177,52 điểm.

Giá vàng điều chỉnh giảm trong phiên ngày thứ Năm sau đợt tăng giá mạnh gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia Kitco dự báo vàng vẫn đang trong xu hướng đi lên trong ngắn hạn.

Kết thúc phiên 22/4, giá vàng giao ngay giảm 9,70 USD (-0,54%), xuống 1.783,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 11,10 USD (-0,62%), xuống 1.782,00 USD/ounce.

Giá dầu đi ngang trong phiên đêm qua do lo ngại về sản lượng dầu thiếu hụt ở Libya bù đắp nguy cơ sụt giảm trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Ấn Độ và Nhật Bản.

Libya cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm xuống khoảng 1 triệu thùng/ngày trong những ngày gần đây và có thể giảm thêm do các vấn đề ngân sách.

Ấn Độ, quốc gia sử dụng dầu lớn thứ ba thế giới, hôm thứ Năm đã báo cáo sao ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất thế giới cho đến nay với 314.835 trường hợp.

Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu số 4 thế giới, dự kiến ​​sẽ thông báo đợt đóng cửa lần thứ ba, ảnh hưởng đến Tokyo và ba tỉnh phía Tây.

Kết thúc phiên 22/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,8 USD (+0,1%), lên 61,43 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,8 USD (+0,1%), lên 65,40 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ