Giới đầu tư lại hoảng sợ

(ĐTCK) Sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của đại dịch Covid-19 tại Mỹ khiến giới đầu tư hoảng sợ đẩy mạnh bán ra trong phiên cuối tuần qua (26/6).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Mỹ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng trong những ngày qua, đặc biệt là trong ngày thứ Bảy có tới 46.276 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục từ khi bắt đầu đại dịch. Trước đó, hôm thứ Sáu là 38.635 ca nhiễm mới.

Số ca nhiễm mới gia tăng mạnh sau khi chính quyền các bang nới lỏng lênh phong tỏa đã khiến một số tiểu bang nhanh chóng ra quyết định siết lại hoạt động kinh doanh để ngăn lây lan của đại dịch. Vào thứ Sáu, Texas và Florida đã ra lệnh đóng cửa các quán bar một lần nữa.

Điều này đã khiến giới đầu tư lo sợ về sự sụp đổ của nền kinh tế vốn đang gắng gượng trở lại sau khi bị đánh sập trong đợt bùng phát đợt dịch thứ nhất từ tháng 3/2020.

Ngoài ra, một báo cáo của Wall Street Journal rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gặp rủi ro gây thêm áp lực đối với chứng khoán Mỹ.

Theo báo cáo đó, các quan chức Trung Quốc cảnh báo rằng, vấn đề Hồng Kông và Đài Loan có thể khiến Bắc Kinh rút lui khỏi cam kết mua hàng nông sản của Mỹ.

Thêm một đòn nữa giáng vào giới đầu tư phố Wall khi Fed hạn chế các ngân hàng thanh toán cổ tức và mua cổ phiếu quý cho tới ít nhất quý IV/2020 sau đợt kiểm tra các ngân hàng vừa kết thúc, trái ngược với kỳ vọng trước đó của giới đầu tư là Fed sẽ nới lỏng quy định, theo đó các ngân hàng sẽ sớm chia cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu quỹ.

Những thông tin trên khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra trong phiên cuối tuần kéo các chỉ số chính của phố Wall giảm hơn 2%, riêng chỉ số S&P ngân hàng mất tới 6,1%.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Dow Jones giảm 730,05 điểm (-2,84%), xuống 25.015,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 74,71 điểm (-2,42%), xuống 3.009,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 259,78 điểm (-2,59%), xuống 9.757,22 điểm.

Phiên giảm mạnh cuối tuần cũng khiến phố Wall giảm trở lại trong tuần qua sau tuần hồi phục trước đó, thậm chí mức giảm khá mạnh. Cụ thể, Dow Jones giảm 3,31% trong tuần qua, S&P giảm 2,86% và Nasdaq cũng giảm 1,90%.

Chứng khoán châu Âu lúc đầu cũng có giao dịch khá tích cực như chứng khoán châu Á, nhưng về cuối phiên, khi lệnh bán tháo diễn ra trên phố Wall khi chứng khoán Mỹ giao dịch với nỗi lo bùng phát Covid-19 trở lại, giới đầu tư trên thị trường châu Âu cũng hoảng hốt, khiến các chỉ số quay đầu điều chỉnh, chỉ có chứng khoán Anh may mắn thoát hiểm, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 12,16 điểm (+0,20%), lên 6.159,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 88,48 điểm (-0,73%), xuống 12.089,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 8,93 điểm (-0,18%), xuống 4.909,64 điểm.

Cũng giống phố Wall, sau tuần tăng tốt trước đó, chứng khoán châu Âu cũng nhanh chóng giảm trở lại trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 2,12%, chỉ số DAX giảm 1,96% và CAC40 giảm 1,40%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên tăng tốt tối hôm trước của phố Wall giúp chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc hồi trở lại trong phiên cuối tuần, lấy lại được hết những gì đã mất trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông giảm sau khi trở lại sau phiên nghỉ lễ khi Thượng viên Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt Trung Quốc về đạo luật an ninh với Hồng Kông. Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 252,29 điểm (+1,13%), lên 22.512,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 231,59 điểm (-0,93%), xuống 24.549,99 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 22,28 điểm (+1,05%), lên 2.134,65 điểm.   

Chứng khoán châu Á lại có sự trái chiều trong tuần qua, nhưng mức biến động không mạnh. Trong khi chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, thì chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc điều chỉnh nhẹ, Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,15%, chỉ số Hang Seng giảm 0,38%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,40%, còn Kospi giảm 0,31%.

Giá vàng giao dịch khá ổn định trong phiên châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, trong phiên Mỹ, giá kim loại quý này sụt giảm mạnh xuống ngưỡng 1.745 USD/ounce vào giữa phiên Mỹ, nhưng cũng nhanh chóng bật mạnh trở lại đóng cửa tăng khá tốt khi chứng khoán bị bán tháo trước các mối lo về sự bùng phát Covid-19.

Kết thúc phiên 26/6, giá vàng giao ngay tăng 6,3 USD (+0,36%), lên 1.771,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 9,7 USD (+0,55%), lên 1.780,3 USD/ounce.

Giá vàng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 1,59%, còn giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,56%.

Với nỗi lo suy thoái kinh tế và làn sóng bùng phát Covid lần thứ 2, căng thẳng địa chính trị, nên cả giới phân tích và đầu tư phần lớn vẫn đặt vào cửa giá vàng tiếp tục tăng cao hơn, mạnh hơn tuần trước đó.

Cụ thể, trong 18 chuyên gia trả lời khảo sát có 12 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 67%, cao hơn con số 56% của tuần trước, 4 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 22%, cao hơn con số 13% của tuần trước và 2 người dự báo giá vàng đi ngang, chiếm 11%.

Tương tự, trong 1.163 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 790 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 68%, cao hơn so với con số 53% của tuần trước; 188 lượt dự báo giá giảm, chiếm 16%, thấp hơn so với 23% của tuần trước và 185 lượt dự báo đi ngang, chiếm 16%.

Giá dầu cũng điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần sau khi số ca nhiễm Covid mới tại Mỹ gia tăng lên mức kỷ lục, nhưng mức giảm chỉ kiêm tốn.

Kết thúc phiên 26/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,23 USD (-0,60%), xuống 38,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,07%), xuống 41,02 USD/thùng.

Sau tuần tăng mạnh trước đó, giá dầu thô đã đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua trước mối lo đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và hàng tồn kho của Mỹ gia tăng. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 3,17% và giá dầu thô Brent giảm 2,77%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục