Sau phiên nỗ lực thoát phiên giảm sâu trước đó, tưởng chừng phố Wall sẽ có giao dịch tích cực hơn khi bước vào phiên thứ Tư, nhất là khi các chỉ số đã có được sắc xanh trong những phút đầu phiên.
Tuy nhiên, sau khi lình xình gần mức tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, các chỉ số đã đồng loạt lao dốc vào nửa cuối phiên chiều sau khi các thông tin tiêu cực được công bố.
Theo đó, dữ liệu vừa công bố cho thấy, doanh số bán nhà mới của gia đình Mỹ giảm xuống mức thấp gần 2 năm vào tháng 9, dấu hiệu mới nhất cho thấy lãi suất tăng cao và giá cao hơn đã làm tổn thương nhu cầu về nhà ở.
Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang (Fed) trong một báo cáo mới công bố cho biết, chi phí sản xuất của các nhà máy Mỹ đã tăng vì thuế quan.
Trong khi đó, với dự báo nhu cầu chip giảm, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các nhà sản xuất chip, cùng với kết quả kinh doanh kém tích cực của Caterpillar và 3M công bố phiên trước đó khiến nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc, kéo Nasdaq có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/8/2011.
Phiên lao dốc hôm thứ Tư đã khiến Nasdaq chính thức giảm điểm trong năm nay, trong khi thành quả của Dow Jones và S&P 500 kể từ đầu năm đến nay đã bị xóa hết. Đây cũng là phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp của S&P 500.
Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng 4,52 điểm, lên 25,23 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 12/2.
Kết thúc phiên 24/10, chỉ số Dow Jones giảm 608,01 điểm (-2,41%), xuống 24.583,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 84,59 điểm (-3,09%), xuống 2.656,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 329,14 điểm (-4,43%), xuống 7.108,40 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau 3 phiên giảm trước đó, các chỉ số chính của khu vực đã hồi phục rất tích cực trong phiên thứ Tư khi tăng hơn 1%. Tuy nhiên, trong những phút cuối phiên, lực bán tháo mạnh đã khiến các chỉ số đồng loạt quay đầu, chỉ có chứng khoán Anh may mắn giữ được sắc xanh nhạt, còn chứng khoán Đức và Pháp chìm trong sắc đỏ.
Chứng khoán châu Âu quay đầu giảm trong ít phút cuối phiên cũng do lực bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ, cùng với đó là nhóm ngân hàng và ô tô sau khi công bố lợi nhuận quý III giảm mạnh của một số tập đoàn lớn trong ngành.
Kết thúc phiên 24/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,77 điểm (+0,11%), lên 6.962,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 82,65 điểm (-0,73%), xuống 11.191,63 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 14,60 điểm (-0,29%), xuống 4.953,09 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản chủ yếu dao động trong sắc đỏ, nhưng sau đó đã đảo chiều tăng điểm thành công trong ít phút cuối phiên. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lúc đầu hồi phục rất tốt sau phiên lao dốc trước đó, nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư trước thông tin về con số margin lớn khiến đà tăng hạ nhiệt. Diễn biến của chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng ảnh hưởng tới chứng khoán Hồng Kông, khiến chỉ số Hang Seng quay đầu giảm trong những phút cuối phiên.
Kết thúc phiên 24/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 80,40 điểm (+0,37%), lên 22.091,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,47 điểm (+0,33%), lên 2.603,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 96,77 điểm (-0,38%), xuống 25.249,78 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi lình xình theo hướng giảm nhẹ trong phiên Á, Âu do đồng USD mạnh, giá vàng đã hồi phục trở lại vào cuối phiên Mỹ khi chứng khoán bị bán tháo.
Kết thúc phiên 24/10, giá vàng giao ngay tăng 3,3 USD (+0,27%), lên 1.233,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 5,7 USD/ounce (-0,46%), xuống 1.231,1 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục điều chỉnh sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng cao hơn dự kiến.
Kết thúc phiên 24/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,31 USD (-0,47%), xuống 66,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,18 USD (-1,54%), xuống 75,45 USD/thùng.