Giới đầu tư lại hào hứng sau phát biểu của quan chức Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Ba (28/11), sau khi những bình luận ôn hòa từ một số quan chức Fed đã củng cố hy vọng về khả năng cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Giới đầu tư lại hào hứng sau phát biểu của quan chức Fed

Ông Christopher Waller, Thống đốc Hội đồng quản trị của Fed đã ám chỉ về việc giảm lãi suất trong những tháng tới nếu lạm phát tiếp tục giảm.

"Tôi ngày càng tin tưởng rằng chính sách hiện đang ở thời điểm tốt để làm chậm lại nền kinh tế và đưa lạm phát trở lại mức 2%", ông Christopher Waller nói, và cũng "tự tin một cách hợp lý" về việc làm như vậy sẽ không gây ra sự gia tăng về tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức 3,9%.

Nếu lạm phát tiếp tục giảm "trong vài tháng nữa... ba tháng, bốn tháng, năm tháng... Chúng ta có thể bắt đầu hạ lãi suất chính sách. Nó không liên quan gì đến việc cố gắng cứu nền kinh tế. Nó phù hợp với mọi tiêu chuẩn chính sách. Không có lý do gì để nói rằng chúng tôi muốn giữ lãi suất ở mức cao”, Christopher Waller nói thêm.

Kỳ vọng của thị trường tiền tệ về việc cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% vào tháng 5/2024 đã tăng lên gần 63% từ khoảng 50% trước bình luận của các quan chức ngân hàng trung ương, theo Công cụ FedWatch của CME Group.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Thống đốc Michelle Bowman chỉ ra rằng, Fed có thể sẽ cần phải tăng thêm lãi suất để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%.

Hiện tại, giới đầu tư sẽ chờ đợi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 10, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed và "Beige Book", một báo cáo nhanh về tổng quan nền kinh tế Mỹ, dự kiến công bố vào cuối tuần này có thể sẽ cho thấy nền kinh tế đang hoạt động như thế nào trong điều kiện tiền tệ thắt chặt.

Kết thúc phiên 28/11: Chỉ số Dow Jones tăng 83,51 điểm (+0,24%), lên 35.416,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,46 điểm (+0,09%), lên 4.554,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 40,73 điểm (+0,29%), lên 14.281,76 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, sau khi bình luận của các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) làm giảm kỳ vọng cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,3% xuống 457,04 điểm, với các cổ phiếu có trọng số lớn như Novo Nordisk và LVMH giảm lần lượt 3,1% và 1,8%.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giảm 1,4%, với công ty dược phẩm Argenx của Bỉ giảm 10,1%, sau khi một nghiên cứu trước về điều trị rối loạn chảy máu không đáp ứng được các chỉ tiêu chính.

Dù vậy, STOXX 600 vẫn đang trên đà đạt hiệu suất trong một tháng tốt nhất kể từ tháng 1, với kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương lớn bao gồm Fed và ECB đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và có thể bắt đầu nới lỏng chính sách vào năm tới.

Tuy nhiên, Giám đốc Bundesbank Joachim Nagel cho biết hôm thứ Ba rằng, ECB có thể cần phải tăng lãi suất một lần nữa nếu triển vọng lạm phát xấu đi và ngân hàng trung ương không nên vội vàng nới lỏng chính sách quá nhanh sau một loạt các tăng lãi suất mạnh trong năm nay.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết hôm thứ Hai rằng, cuộc chiến chống lạm phát của ECB vẫn chưa kết thúc.

Các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi một loạt dữ liệu kinh tế trong tuần này, bao gồm số liệu lạm phát của khu vực đồng euro vào thứ Năm và chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ (PCE) thước đo lạm phát ưa thích của Fed để tìm manh mối về con đường chính sách tiền tệ trong tương lai.

Các nhà giao dịch hiện đang đánh giá 45% cơ hội cắt giảm lãi suất 0,25% đầu tiên của ECB vào tháng 4/2024, giảm mạnh từ khoảng 90% trong hai tuần trước.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng Đức đã cải thiện nhẹ vào tháng 11, nhưng vẫn ở mức rất thấp và không có dấu hiệu phục hồi bền vững ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Kết thúc phiên 28/11: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 5,46 điểm (-0,07%), xuống 7.455,24 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 26,30 điểm (-0,16%), xuống 15.992,67 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 15,36 điểm (-0,21%), xuống 7.250,13 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư chốt lời, cùng sự phục hồi của đồng yên so với đồng USD cũng khiến tâm lý thị trường thận trọng hơn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,12% xuống 33.408,39 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,21% xuống 2.376,71 điểm

Đồng yên đã tăng giá khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào thứ Ba sau khi dữ liệu doanh số bán nhà mới tại Mỹ yếu hơn dự kiến.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, trong bối cảnh nền kinh tế nước này phục hồi chậm chạp và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn yếu.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,23% lên 3.038,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,19% lên 3.518,52 điểm.

"Dữ liệu kinh tế Trung Quốc gần đây vẫn tương đối chậm chạp và không cộng hưởng với kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất. "Vì vậy, thị trường gặp khó khăn, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn yếu trong khi cổ phiếu nhỏ vượt trội”, Li Yanzheng, nhà quản lý quỹ tại Fortune &; Royal Asset, cho biết.

Cổ phiếu các công ty nhỏ của Trung Quốc, giảm 4,2% sau khi tăng mạnh 11,4% vào thứ Hai.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống gần mức thấp nhất trong ba tuần, do lo ngại kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp yếu kém sẽ khiến các nhà đầu tư thất vọng, trong bối cảnh Trung Quốc suy thoái và thị trường bất động sản sụt giảm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,98% xuống 17.354,14 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,13% xuống 5.957,08 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ giảm 0,8%, với gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan giảm 5,2% trước khi công bố kết quả kinh doanh vào cuối ngày.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng, được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 26,10 điểm, tương đương 1,05% lên 2.521,76 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 20/9.

"Sự chậm lại ở giá nhà mới cũng như sản xuất của Mỹ đã làm tăng khả năng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất vào năm tới", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Thông tin đáng chú ý khác là Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) có thể sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức 3,5% khi nhóm họp vào thứ Năm, do lạm phát vẫn ở mức cao. Một cuộc thăm dò của Reuters cũng dự báo đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của BOK sẽ phải đến quý III/2024.

Kết thúc phiên 28/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 39,28 điểm (-0,12%), xuống 33.408,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,85 điểm (+0,23%), lên 3.03855 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 170,92 điểm (-0,98%), xuống 17.354,14 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 26,10 điểm (+1,05%), lên 2.52176 điểm.

Giá dầu tăng trước thềm cuộc họp cấp Bộ trưởng của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày mai (30/11) để thảo luận về các mục tiêu sản xuất năm 2024.

Nhiều dự đoán cho rằng, các cuộc đàm phán sẽ khó khăn và có thể OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận trước đó thay vì cắt giảm sản lượng sâu hơn.

Kết thúc phiên 28/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,55 USD/thùng (+2,1%), lên 76,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,7 USD/thùng (+2,1%), lên 81,68 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục