Giới đầu tư lại đối mặt với nỗi lo mới

(ĐTCK) Nỗi lo chiến tranh thương mại chưa qua, giới đầu tư lại đối mặt với nỗi lo mới với khả năng mâu thuẫn xảy ra giữa Ý và EU khi Chính phủ Ý đặt kế hoạch thâm hụt ngân sách cao hơn dự kiến.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong phiên cuối tuần trước, phố Wall tăng vào buổi sáng khi ngành công nghệ tăng mạnh nhờ vào đà tăng tốt của cổ phiếu Nvidia Corp sau khi Evercore nâng mục tiêu giá cổ phiếu của hãng lên 400 USD/cổ phiếu.

Tuy nhiên, trong phiên chiều các chỉ số quay đầu và đóng cửa gần như không đổi do cổ phiếu Facebook giảm sau thông tin bị hacker tấn công, ảnh hưởng tới 50 triệu tài khoản người dùng và cổ phiếu Telsa mất 13,9% giá trị sau khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) kiện Chủ tịch kiêm CEO Elon Musk trong tố cao về việc gian lận, ảnh hưởng tới nhà đầu tư trong tuyên bố mua lại cổ phiếu của CEO này hồi tháng 7 (ngày sau đó, Elon Musk đã chấp nhận từ chức Chủ tịch của Telsa và hãng này cũng nộp phạt 20 triệu USD).

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Dow Jones tăng 18,38 điểm (+0,07%), lên 26.458,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,02 điểm (-0,00%), xuống 2.913,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,38 điểm (+0,06%), lên 8.046,35 điểm.

Sau tuần tăng mạnh nhất gần 2 tháng trước đó, tuần quá, Dow Jones quay đầu giảm 1,07%, chỉ số S&P 500 cũng quay đầu giảm 0,54%, trong khi Nasdaq với sự hỗ trợ của nhóm công nghệ lại quay đầu tăng 0,74% sau khi giảm nhẹ 0,29% trước đó.

Trong tháng 9, Dow Jones tăng 1,90%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp, S&P 500 tăng 0,43%, tháng tăng thứ 6 liên tiếp, trong khi Nasdaq lại trái chiều khi điều chỉnh giảm 0,78% sau 5 tháng tăng liên tiếp trước đó.

Trong quý III, Dow Jones tăng tới 9,01%, S&P 500 tăng 7,20% và Nasdaq tăng 7,14%.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường chính của khu vực đồng loạt chìm trong sắc đỏ với mức giảm khá mạnh sau khi Chính phủ Ý đặt mục tiêu thậm hụt ngân sách cao hơn dự kiến (2,4% GDP), gây lo ngại có thể đưa nước này vào cuộc xung đột mới với EU. Bên cạnh đó, bấp bênh về thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU cũng khiến giới đầu tư lo lắng.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,24 điểm (-0,47%), xuống 7.510,20 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 188,86 điểm (-1,52%), xuống 12.246,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 46,91 điểm (-0,85%), xuống 5.493,49 điểm.

Phiên giảm mạnh cuối tuần cũng khiến chứng khoán châu Âu điều chỉnh sau tuần tăng mạnh hơn 2,5% trước đó. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 may mắn có được mức tăng nhẹ 0,27%, trong khi chỉ số DAX giảm 1,48% và CAC 40 giảm 0,01%.

Trong tháng 9, chỉ số FTSE tăng 1,05% sau khi mất hơn 4% tháng trước, chỉ số CAC 40 cũng đảo chiều tăng 1,6% sau khi mất 1,9%, trong khi DAX tiếp tục giảm 0,95%.

Trong quý III, chỉ số FTSE giảm 1,66% sau khi tăng hơn 8% trong quý trước, chỉ số DAX cũng giảm 0,48% sau khi tăng 1,73% quý trước, trong khi CAC 40 tăng 3,19%, quý tăng thứ 2 liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh lên mức cao nhất gần 27 năm do đồng yên giảm sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật Bản. Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng tốt nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh để bù đắp lại thiệt hại do cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra.

Đà tăng tích cực của chứng khoán khu vực cũng giúp chứng khoán Hồng Kông có sắc xanh, nhưng đà tăng khiêm tốn hơn khi tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với cuộc chiến thương mại và sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 323,30 điểm (+1,36%), lên 24.120,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,58 điểm (+1,06%), lên 2.821,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 72,85 điểm (+0,26%), lên 27.788,52 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,05%, chỉ số Hang Seng giảm 0,59% và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,85%.

Trong tháng 9, chỉ số Nikkei 225 tăng 8,14%, tháng tăng thứ 4 liên tiếp, chỉ số Hang Seng tiếp tục có tháng giảm thứ 5 liên tiếp với mức giảm 0,36%, trong khi chỉ số Shanghai Composite hồi phục 3,53%.

Trong quý III, chỉ số Nikkei tăng tới 8,14%, quý tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi chỉ số Hang Seng tiếp tục có quý thứ 2 giảm liên tiếp với mức giảm 4,03% và Shanghai Composite có quý giảm thứ 4 liên tiếp khi mất 0,92%.

Trong phiên cuối tuần trước, dù đồng USD tăng, nhưng rủi ro gia tăng tại châu Âu khiến giới đầu tư tìm đến vàng, giúp giá kim loại quý này có phiên hồi phục tốt.

Kết thúc phiên 28/9, giá vàng giao ngay tăng 9,8 USD (+0,83%), lên 1.192,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 8,8 USD/ounce (+0,74%), lên 1.196,2 USD/ounce.

Dù phục hồi trong phiên cuối tuần, nhưng trong tuần, giá vàng giao ngay vẫn giảm 0,54% và giá vàng tương lai giảm 0,42%. Trong tháng 9, giá vàng giảm lần lượt 0,72% và 0,89%, tháng giảm thứ 6 liên tiếp. Vì vậy, trong quý III, giá vàng giảm lần lượt 4,81% và 4,62%, quý giảm thứ 2 liên tiếp.

Với những diễn biến trên thị trường, giới phân tích có cái nhìn khá tiêu cực về xu hướng của giá vàng, trong khi giới đầu tư cũng tỏ ra thận trọng.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia được hỏi trả lời tuần này, chỉ có 3 người dự báo giá vàng sẽ tăng tuần tới, chiếm 18%, trong khi có tới 11 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 59%, 4 người còn lại dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 24%.

Trong khi đó, trong 549 người trả lời trực tuyến, có 233 người dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 42%, 230 người dự báo giảm, chiếm 42% và 86 người còn lại dự báo giá vàng đi ngang, chiếm 16%.

Giá dầu thô tiếp tục tăng cao do các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran làm giảm lượng cung dầu thô. Để giúp ổn định giá dầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Vua Ả Rập Xê út thỏa thuận về việc đảm bảo nguồn cung để ổn định giá dầu, đảm bảo tăng trưởng kinh tế thế giới.

Kết thúc phiên 28/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,13 USD (+1,54%), lên 73,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,00 USD (+1,21%), lên 82,72 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng mạnh 3,49% và giá dầu thô Brent tăng 4,97%, góp phần giúp giá nhiên liệu này tăng 4,94% và 6,85% trong tháng 9, tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, trong quý III, giá dầu thô Mỹ giảm 1,21%, trong khi giá dầu thô Brent tăng 4,13%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục