Giới đầu tư hồi hộp chờ nhiều tin quan trọng

(ĐTCK) Dù vẫn duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư (23/1), nhưng mức tăng của phố Wall nhẹ hơn nhiều trước đó khi nhà đầu tư thận trọng trước nhiều sự kiện lớn phía trước.
Giới đầu tư hồi hộp chờ nhiều tin quan trọng

Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch thứ Tư nhờ các báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố khả quan của IBM, P&G và United Technologies.

Tuy nhiên, các chỉ số gặp rung lắc trong phiên và mức tăng cũng khiêm tốn hơn nhiều so với các phiên trước khi nhà đầu tư thận trọng trước khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử. Cụ thể, nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 24/1 không thông qua được vấn đề ngân sách, thời gian Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa kéo dài lên con số 33 ngày, thời gian lâu nhất lịch sử.

Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư bị cũng bị ảnh hưởng bởi phát biểu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ chỉ trích các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Sắp tới đây, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn ra và giới đầu tư đang chờ đợi những diễn biến mới từ cuộc đàm phán này.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số Dow Jones tăng 171,14 điểm (+0,70%), lên 24.575,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,80 điểm (+0,22%), lên 2.638,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,41 điểm (+0,08%), lên 7.025,77 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư thận trọng trước các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố như Ngân hàng Metro (Anh), Ingenico (Pháp), ASML Holdings, nhà cung cấp chính cho các nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới…

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 58,51  điểm (-0,85%), xuống 6.842,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 18,57 điểm (-0,17%), xuống 11.071,54 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 7,15 điểm (-0,15%), xuống 4.840,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số cũng chủ yếu lình xình khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi các thông tin quan trọng phía trước, nhất là cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 29,19 điểm (-0,14%), xuống 20.593,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,30 điểm (+0,05%), lên 2.581,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,75 điểm (+0,01%), lên 27.008,20 điểm.

Tương tự chứng khoán, giá vàng cũng lình xình trong phiên thứ Tư khi tâm lý nhà đầu tư thận trọng chờ đợi các thông tin quan trọng phía trước.

Kết thúc phiên 23/1, giá vàng giao ngay giảm 2,4 USD (-0,17%), xuống 1.282,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 0,6 USD (+0,05%), lên 1.284,0 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm khi Liên minh châu Âu tìm cách lách lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và giá xăng dầu của Mỹ giảm.

Kết thúc phiên 23/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,39 USD (-0,74%), xuống 52,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,36 USD (-0,59%), xuống 61,14 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục