Giới đầu tư hân hoan với kết quả lợi nhuận từ Amazon

(ĐTCK) Một phiên giao dịch gập ghềnh khác trên Phố Wall vào thứ Sáu (4/2) đã kết thúc tốt đẹp nhờ cổ phiếu Amazon, sau khi Công ty này báo cáo kết quả kinh doanh tích cực.

Cổ phiếu Amazon phiên này đã tăng vọt 13,5% và là phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2015, nhờ kết quả kinh doanh quý IV/2021 mạnh mẽ với doanh thu báo cáo 137,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận 14,3 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2021 con số này chỉ là 7,2 tỷ USD.

Nhóm cổ phiếu công nghệ theo đó cũng đã tăng mạnh, với những cái tên như Snap tăng tới 58,8%, một ngày sau khi công bố kết quả kinh doanh. Cổ phiếu Pinterest vọt 11,2%, cổ phiếu Microsoft tăng 1,56%, Alphabet (Google) nhích nhẹ 0,14%,

Cổ phiếu Meta (Facebook), sau phiên báo tháo giảm 26% trước đó đã phần nào cho thấy sự hồi phục khi chỉ mất gần 0,3% trong ngày thứ Sáu.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng trên 1,9%, chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Điều này được coi là tích cực đối với nhóm cổ phiếu tài chính, với Bank of America Corp, Morgan Stanley và Wells Fargo & Co đều tăng từ 1,8% đến 4%.

Trong số các ngành chính của S&P 500, cổ phiếu năng lượng đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 khi giá dầu thô chạm mức cao nhất trong 7 năm.

Trong tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,5%, Nasdaq Composite vọt 2,4% và Dow Jones tăng 1,1%. Tuần ghi nhận mức tăng thứ 2 trong năm 2022 của các chỉ số chính, vốn đã chịu áp lực trong tháng trước đó do lo ngại lãi suất cao đã tác động tiêu cực đến các công ty công nghệ.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Dow Jones giảm 21,42 điểm (-0,06%), xuống 35.089,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,09 điểm (+0,52%), lên 4.500,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 219,19 điểm (+1,58%), lên 14.098,01 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm trong phiên thứ Sáu, khi sự thay đổi diều hâu hơn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đóng cửa giảm 1,4%, kéo dài mức giảm sau khi giảm gần 2% trong phiên trước đó. Chỉ số này đã mất 0,7% trong tuần này, bất chấp mức tăng vọt trước đó nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.

Phiên này, nhóm cổ phiếu ô tô giảm mạnh nhất, mất 3,2% sau khi Reuters đưa tin Liên minh châu Âu có có kế hoạch siết chặt phương pháp đo lượng khí thải CO2 từ các dòng xe lai sạc điện.

Động thái này có nghĩa là các nhà sản xuất ô tô sẽ phải bán nhiều xe chạy bằng pin hơn để đáp ứng các mục tiêu về khí thải.

Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất trong tuần này, trong khi ECB ám chỉ khả năng không tăng lãi suất trong năm nay, dù đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cùng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách nhanh chóng hơn khi đối mặt với lạm phát kỷ lục.

Kết thúc phiên 4/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 12,44 điểm (-0,17%) xuống 7.516,40 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 268,91 điểm (-1,75%), xuống 15.099,56 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 54,25 điểm (-0,77%), xuống 6.951,38 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ và ghi nhận tuần tăng điểm tốt nhất kể từ giữa tháng 10 năm ngoái với mức tăng 2,71% của Nikkei 225.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp và ghi nhận mức tăng trong một tuần mạnh nhất gần 1 năm qua, với chỉ số chuẩn KOSPI tăng 3,2%.

Kết thúc phiên 4/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 198,68 điểm (+0,73%), lên 27.439,99 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 42,44 điểm (+ 1,57%), lên 2.750,26 điểm.

Giá vàng thế giới thêm một phiên nhích nhẹ và gần như chỉ xoay quanh ngưỡng 1.800 USD/ounce thời gian gần đây.

Kết thúc phiên 4/2, giá vàng giao ngay tăng 3,8 USD lên 1.808,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng hơn 4 USD lên 1.807,3 USD/ounce.

Giá dầu đã liên tục xác lập mức đỉnh mới trong 7 năm qua, bởi lo ngại gia tăng về nguồn cung thắt chặt do thời tiết khắc nghiệt của Mỹ và bất ổn chính trị đang diễn ra giữa các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đều đã tăng mạnh trong ngày thứ Sáu. Dầu Brent có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.

Giá dầu Brent kết thúc tuần với mức tăng hơn 3,6%, trong khi WTI tăng 6,3%. Đây là tuần tăng thứ 7 của hai mặt hàng dầu này.

Kết thúc phiên 4/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,04 USD (+2,21%), lên 92,31 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,16 USD (+2,32%), lên 93,27 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục