Giới đầu tư hạn chế đặt lệnh khi kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ đến gần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tăng tích cực trong phiên ngày thứ Sáu (1/7), nhưng giao dịch khá thưa thớt do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ dài ngày đến gần.
Giới đầu tư hạn chế đặt lệnh khi kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ đến gần

Trong phiên này, chứng khoán Mỹ đã có lúc giảm điểm sau khi chỉ số về hoạt động chế tạo của Viện quản lý nguồn cung (ISM) giảm trong tháng 6 xuống mức thấp nhất hai năm qua là 53 điểm, thấp hơn dự đoán 54,3 điểm. Chỉ số đơn đặt hàng mới cũng giảm từ 55,1 điểm xuống 49,2 điểm, ghi nhận đà sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020.

Báo cáo của ISM dường như ủng hộ quan điểm rằng, nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt và lạm phát dường như đã qua đỉnh. Điều này đã làm tăng khả năng Fed có thể có chỗ cho một hành động ôn hòa hơn sau khi đã tăng lãi suất thêm 0,75%.

Tim Ghriskey, Chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao Ingalls & Snyder ở New York cho biết: “Fed sẽ cần phải xem thêm nhiều bằng chứng để thay đổi quan điểm về việc tiếp tục tăng lãi suất. Vẫn còn nhiều bất ổn về nền kinh tế và có những dấu hiệu ban đầu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh”.

Phiên này, tất cả 11 phân ngành chính của S&P 500 đều kết thúc phiên trong sắc xanh, trong đó ngành tiện ích tăng tốt nhất khi nhích 2,48%.

Giới đầu tư hiện cũng sẽ chú ý vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Các nhà phân tích kỳ ​​vọng tăng trưởng tổng thu nhập quý II của các công ty thuộc S&P 500 là 5,6%, giảm so với mức 6,8% được dự đoán vào đầu quý.

Dù có phiên thứ Sáu tích cực, nhưng tính chung cả tuần vừa qua, Dow Jones giảm 1,3%, S&P 500 mất 2,2%, và Nasdaq giảm 4,1%.

Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Dow Jones tăng 321,83 điểm (+1,05%), lên 31.097,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 39,95 điểm (+1,06%), lên 3.825,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 99,11 điểm (+0,90%), lên 11.127,84 điểm.

Chứng khoán châu Âu ít thay đổi trong phiên thứ Sáu, khi các nhà đầu tư đứng ngoài quan sát hành động tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong hơn một thập kỷ vào tháng này.

Dữ liệu vào thứ Sáu cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro cao hơn dự kiến với chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 8,1% trong tháng 5. ​

Với những dấu hiệu cho thấy kỳ vọng về giá trong tương lai sẽ tăng cao, ECB có kế hoạch tăng lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7.

Các động thái thắt chặt tín dụng từ ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát đã khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số STOXX 600 đã mất 1,4% trong tuần này và đã giảm hơn 16% trong năm nay, do lo ngại từ lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều nơi và ảnh hưởng khác từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Phiên này, đáng chú ý là nhóm chip, với cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASML và nhà sản xuất chip Pháp-Ý STMicroelectronics và nhà sản xuất chip Đức Infineon đã giảm từ 2,9% đến 5,4% sau khi công ty chip nhớ Micron Technology của Mỹ cắt giảm đáng kể triển vọng kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu tiện ích là ngành tích cực nhất, tăng 3,1% khi Uniper phục hồi sau khi giảm hơn 14% vào thứ Năm khi họ yêu cầu chính phủ Đức giúp đỡ do tổn thất phát sinh từ các hạn chế nguồn cung khí đốt của Nga.

Các lĩnh vực phòng thủ khác như tiêu dùng, viễn thông và chăm sóc sức khỏe cũng tăng, do các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa trong bối cảnh lo ngại suy thoái, sau dữ liệu cho thấy hoạt động yếu kém của nhà máy ở Tây Ban Nha và Ý.

Kết thúc phiên 1/7: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,63 điểm (-0,00%), xuống 7.168,65 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 29,26 điểm (+0,23%), lên 12.813,03 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 8,20 điểm (+0,14%), lên 5.931,06 điểm.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ