Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2/2023 của nước này đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát tháng 2 đã chậm lại so với mức tăng 0,5% so với tháng trước và mức tăng 6,4% hàng năm trong tháng 1. Cả hai dữ liệu đều phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế.
Lạm phát tăng 6% đã đánh dấu mức tăng giá tiêu dùng hàng năm chậm nhất kể từ tháng 9/2021.
Loại trừ giá lương thực và năng lượng, CPI cơ bản trong tháng 2 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, so với ước tính là 0,4% trên cơ sở tháng và 5,5% trên cơ sở năm.
Mặc dù vậy, lạm phát vẫn còn một chặng đường đáng kể trước khi đạt được mục tiêu 2% trung bình hàng năm của Fed.
Nhưng các dấu hiệu suy yếu về kinh tế, kết hợp với sự sợ hãi của ngân hàng trong khu vực, đã làm tăng khả năng Fed sẽ thực hiện một đợt tăng khiêm tốn 0,25%với lãi suất cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào ngày 22/3.
Phiên này, giao dịch đáng chú ý nhất trong phiên là nhóm cổ phiếu ngân hàng, với đà hồi phục mạnh, với SPDR S&P Regional Banking ETF tăng 2%, phục hồi phần nào sau đà lao dốc 12% trong phiên trước đó. Cổ phiếu First Republic Bank tăng gần 27% sau khi bốc hơi gần 62% vào ngày 13/3. Cổ phiếu KeyCorp tăng gần 7% sau khi trượt dốc 27%.
Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Dow Jones tăng 336,21 điểm (+1,06%), lên 32.155,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 63,53 điểm (+1,65%), lên 3.919,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 239,31 điểm (+2,14%), lên 11.428,15 điểm.
Chứng khoán châu Âu hồi phục và ghi nhận phiên tăng tốt nhất trong gần 3 tháng, nhờ triển vọng vững chắc của ngành ngân hàng trong khu vực trước sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và sự lạc quan ngày càng tăng về sự chậm lại trong chu kỳ tăng lãi suất của Fed.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,45% lên 449,23 điểm.
Cổ phiếu các ngân hàng châu Âu đã tăng trở lại 2,5% sau khi ghi nhận đợt bán tháo trong một ngày tồi tệ nhất trong hơn một năm vào thứ Hai, khi các cơ quan quản lý Mỹ đảm bảo tiền gửi của SVB đã không trấn an được các nhà đầu tư.
Gerry Fowler, người đứng đầu bộ phận chiến lược vốn chủ sở hữu châu Âu tại UBS, cho biết: “Việc bán tháo (ở các ngân hàng) đã diễn ra quá mức và thực sự. Thị trường nhận ra rằng có thể đã có một con đường lây lan tâm lý, nhưng khả năng phục hồi của ngành ngân hàng châu Âu lớn hơn mọi người nghĩ và việc siết chặt các vị thế có lẽ đang đảo ngược phần nào trong ngày hôm nay”.
Hơn nữa, Thủ tướng Olaf Scholz tin rằng người Đức không nên có những lo ngại lớn về sự lây lan của SVB và các cơ quan quản lý đã học được bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Về mặt dữ liệu, giá tiêu dùng của Mỹ tăng phù hợp với dự báo và củng cố đặt cược vào một đợt tăng lãi suất nhỏ hơn của Fed vào tuần tới.
Các nhà đầu tư cũng đang rất nóng lòng chờ đợi quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm, dự kiến sẽ là 0,5%.
Trong khi đó, Deutsche Bank nhận thấy khả năng ECB tăng lãi suất cơ bản 0,25% cao hơn do sự sụp đổ của SVB.
Kết thúc phiên 14/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 88,48 điểm (+1,17%), lên 7.637,11 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 273,36 điểm (+1,83%), lên 15.232,83 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 130,07 điểm (+1,86%), lên 7.141,57 điểm.
Giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng sau báo cáo CPI tháng 2 của Mỹ và ảnh hưởng từ vụ sụp đổ của SVB đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể làm giảm nhu cầu dầu trong tương lai.
Kết thúc phiên 14/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 3,47 USD/thùng (-4,86%), xuống 71,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,32 USD/thùng (-4,29%), xuống 77,45 USD/thùng.