Giới đầu tư còn thận trọng, phố Wall loay hoay tìm hướng đi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số chính trên phố Wall trái chiều trong phiên ngày thứ Ba (10/5), với S&P 500 và Nasdaq nhích lên nhờ lực mua bắt đáy ở nhóm cổ phiếu tăng trưởng, trong khi Dow Jones suy yếu bởi đà sụt giảm của IBM, Home Depot, 3M và JPMorgan.
Giới đầu tư còn thận trọng, phố Wall loay hoay tìm hướng đi

Thị trường vật lộn để chọn hướng đi, giao dịch kém ổn định, khi chứng kiến các chỉ số chính liên tục trồi sụt. Có thời điểm, Dow Jones vọt hơn 500 điểm, nhưng sau đó giảm 350 điểm xuống mức đáy trong phiên, khi giới đầu tư lo lắng trước việc dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư và dữ liệu giá sản xuất vào thứ Năm.

Phiên này, cổ phiếu của công ty vốn hóa lớn nhất thị trường là Apple tăng 1,6% và đóng góp lớn nhất cho S&P 500 và Nasdaq. Bên cạnh đó, các cổ phiếu công nghệ khác như Microsoft nhích 1,9%, Intel cùng Salesforce tăng hơn 2% cũng hỗ trợ thêm cho các chỉ số.

Lĩnh vực công nghệ đã giảm mạnh trong những tuần gần đây khi nhà đầu tư rút khỏi các lĩnh vực tăng trưởng và chuyển sang các nhóm cổ phiếu trú ẩn an toàn như hàng tiêu dùng thiết yếu và tiện ích trong bối cảnh lo ngại suy thoái.

Trong khi đó, cổ phiếu IBM giảm gần 4%, Home Depot, 3M và JPMorgan đều giảm 2%, khiến chỉ số Dow Jones chìm trong sắc đỏ.

Ở những nơi khác, cổ phiếu Pfizer tăng 1,7% sau khi cho biết sẽ trả 11,6 tỷ USD để mua Biohaven Pharmaceutical Holding, khiến cổ phiếu Biohaven tăng 68,4%.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm từ mức đỉnh nhiều năm, trong đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mốc 3% sau khi chạm mức cao nhất kể từ cuối năm 2018 vào ngày 9/5.

Đáng chú ý khác là Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bài phát biểu hôm thứ Ba đề cập đến lạm phát cao và cho biết ông đang xem xét loại bỏ một số loại thuế quan với Trung Quốc như một cách để hạ giá hàng hóa ở Mỹ.

Kết thúc phiên 10/5, chỉ số Dow Jones giảm 84,96 điểm (-0,26%), xuống 32.160,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,81 điểm (+0,25%), lên 4.001,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 114,42 điểm (+0,98%), lên 11.737,67 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, khi giới đầu tư quay lại mua các cổ phiếu giảm giá sau đợt bán tháo mạnh trước đó do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,8% lên 420,78 điểm, với hầu hết các ngành đều tăng điểm.

Chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh trong những ngày đầu tháng 5, với những cổ phiếu tăng trưởng cao chịu thiệt hại nặng nhất, do lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Trong đó, chỉ số STOXX 600 đã giảm 6,7% trong 10 ngày đầu tháng 5 khi Trung Quốc phong tỏa nhiều nơi, xung đột tại Ukraine và lo lắng về việc tăng lãi suất nhanh hơn đã làm lu mờ một mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý khả quan.

Dữ liệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư Đức tăng nhẹ trong tháng 5 nhờ kỳ vọng tình hình kinh tế ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ ít xấu đi hơn so với dự báo trước đó do Ngân hàng Trung ương châu Âu có hành động kiềm chế lạm phát.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng mức tăng là không đủ để hy vọng.

Phiên này, trong số các cổ phiếu riêng lẻ, Match AB của Thụy Điển tăng vọt 24,9% sau khi công ty thuốc lá Mỹ Philip Morris International cho biết họ đang đàm phán để thực hiện M&A.

Công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Na Uy Kongsberg Gruppen giảm 18,9%, sau khi báo cáo EBITDA giảm do những thách thức về hậu cần và thiếu hụt linh kiện.

Kết thúc phiên 10/5: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 26,64 điểm (+0,37%), lên 7.243,22 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 154,07 điểm (+1,15%), lên 13.534,74 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 30,89 điểm (+0,51%), lên 6.116,91 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, nhưng mức giảm được thu hẹp đáng kể khi các nhà đầu tư bắt đầu mua lại cổ phiếu với hy vọng phục hồi của Phố Wall vào cuối ngày.

Chứng khoán Trung Quốc tăng trở lại, sau khi ngân hàng trung ương của nước này ngày trước đó tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm cho nền kinh tế đang chậm lại và các biện pháp thúc đẩy niềm tin.

Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm, do ảnh hưởng của phiên đêm qua trên phố Wall, nhưng đà rơi được chặn lại khá nhiều nhờ dòng tiền bắt đáy xuất hiện.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ sáu liên tiếp xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, các biện thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc.

Kết thúc phiên 10/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 152,24 điểm (-0,58%), xuống 26.167,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,70 điểm (+1,06%), lên 3.035,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 368,27 điểm (-1,84%), xuống 19.633,69 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,25 điểm (-0,55%), xuống 2.596,56 điểm.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ