Giới đầu tư chứng khoán phấn chấn trở lại

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế khả quan, cùng với nỗi lo Hy Lạp vơi dần giúp chứng khoán toàn cầu tăng điểm khá tốt trong phiên thứ Tư.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Theo dữ liệu vừa được Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố, chỉ số ISM sản xuất của Mỹ tăng lên mức 53,5, vượt kỳ vọng, trong khi chi tiêu xây dựng tăng 0,8% trong tháng 5, lên mức cao nhất 6 năm rưỡi. Đơn đặt hàng mới cũng tăng 0,2%.

Cũng theo dữ liệu vừa công bố, báo cáo việc làm khu vực tư nhân ADP của Mỹ có thêm 237.000 việc làm, vượt con số mong đợi của giới phân tích là 218.000 việc làm. Trong khi đó, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (MPI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 6 giảm xuống 53,6, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013, Markit.

Về thông tin Hy Lạp, Athens đã không thể trả được khoản nợ 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) đến hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các cuộc đàm phán để bàn về tình hình nợ Hy Lạp cũng sẽ không diễn ra thêm cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý của nước này sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật tới. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, Hy Lạp sẵn sàng chấp nhận hầu hết các điều kiện từ các chủ nợ quốc tế để có được một thỏa thuận nợ, nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.

Những thông tin tích cực trên giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp sau phiên giảm mạnh đầu tuần. Mức tăng trong phiên thứ Tư cũng mạnh hơn nhiều phiên thứ Ba. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn còn giữ thái độ thận trọng. Trong ngày thứ Năm, bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố sớm để nghỉ ngày lễ Quốc khánh trong ngày thứ Sáu. Với bảng lương ADP khả quan, nhiều khả năng bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cũng sẽ tích cực và do đó, nó sẽ khiến khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 9 được càng cao hơn.

Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Dow Jones tăng 138,40 điểm (+0,79%), lên 17.757,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,31 điểm (+0,69%), lên 2.077,42 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 26,26 điểm (+0,53%), lên 5.013,12 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, kỳ vọng về một thỏa thuận để giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro đã giúp chứng khoán khu vực hồi phục mạnh sau 2 phiên giảm đầu tuần. Trong đó, chứng khoán Đức tăng tới hơn 2%, chứng khoán Pháp cũng tăng gần 2%.

Kết thúc phiên 1/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 87,61 điểm (+1,34%), lên 6.608,59 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 235,53 điểm (+2,15%), lên 11.180,50 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 92,99 điểm (+1,94%), lên 4.883,19 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Tư sau khi cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy, các doanh nghiệp lớn đang tăng cường đầu tư ở mức nhanh nhất trong vòng 1 thập kỷ. Niềm tin của các nhà sản xuất lớn Nhật Bản cũng được cải thiện trong quý II. Tuy nhiên, mức tăng không lớn khi giới đầu tư vẫn thận trọng về vấn đề Hy Lạp.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, sau phiên hồi mạnh hơn 5% hôm thứ Ba, đem lại niềm tin thị trường sẽ bước vào giai đoạn tăng mới, chứng khoán Trung Quốc đã trả lại hết những gì đã đạt được trước đó trong phiên thứ Tư. Dường như, phiên hồi phục hôm thứ Ba là điều kiện để nhà đầu tư thoát hàng, nhất là những nhà đầu tư sử dụng margin, nên hoạt động bán ồ ạt lại diễn ra trong phiên thứ Tư, khiến chỉ số Shanghai Composite giảm tới hơn 5%.

Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 93,59 điểm (+0,46%), lên 20.329,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 223,52 điểm (-5,23%), xuống 4.053,70 điểm. Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.

Trong khi chứng khoán hồi phục khá tốt trở lại, thì giá vàng lại có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý này ngày càng mờ nhạt.

Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cùng với việc đồng USD tăng mạnh, lên mức cao nhất gần 1 tháng càng gây sức ép lên giá vàng, đẩy giá kim loại quý này giảm giá, xuống mức thấp nhất gần 4 tuần.

Kết thúc phiên 1/7, giá vàng giao ngay giảm 4,3 USD (-0,37%), xuống 1.168,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 2,5 USD/ounce (-0,21%), xuống 1.169,3 USD/ounce.

Việc đồng USD tăng mạnh cũng khiến giá dầu thô giảm trở lại, bất chấp dữ liệu việc làm khả quan.

Kết thúc phiên 1/7, giá dầu thô Mỹ giảm 2,51 USD/thùng (-4,41%), xuống 56,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,58 USD (-2,55%), xuống 62,01 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục