Phố Wall có phiên lình xình và đóng cửa ít thay đổi trong phiên thứ Hai sau những thông tin tác động trái ngược nhau.
Cổ phiếu Apple tăng nhẹ 0,5% sau khi các nhà quản lý thương mại Mỹ chấp thuận 10 trong 15 đề yêu cầu miễn thuế của nhà sản xuất iPhone. Điều này cũng giúp các nhà cung cấp linh kiện cho Apple tăng theo.
Về dữ liệu kinh tế, theo Chỉ số quản lý bán hàng của ISH Markit, việc làm trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 9 lần đầu tiên giảm sau 9 năm rưỡi. Trong khi đó, dữ liệu cũng cho thấy, hoạt động sản xuất lại tăng vượt kỳ vọng trong tháng 9.
Trước đó một ngày, một cuộc khảo sát cho thấy, một cuộc suy thoái sản xuất ngày càng sâu sắc ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng thận trọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sau khi cả 2 bên có các động thái nhượng bộ nhau tạo hy vọng, thì bất ngờ phái đoàn quản lý nông nghiệp Trung Quốc hủy chuyến thăm các trang trại của Mỹ.
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones tăng 14,92 điểm (+0,06%), lên 26.949,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,29 điểm (-0,01%), xuống 2.991,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,21 điểm (-0,06%), xuống 8.112,46 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cuộc khảo sát về kinh tế Đức khiến giới đầu tư trên thị trường này lo sợ, đẩy các chỉ số lao dốc trong phiên thứ Hai.
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 18,84 điểm (-0,26%), xuống 7.326,08 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 125,68 điểm (-1,01%), xuống 12.342,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 60,01 điểm (-1,05%), xuống 5.630,76 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày lễ Thu Phân, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm do nghi ngờ xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm thứ 6 liên tiếp.
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,37 điểm (-0,98%), xuống 2.977,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 213,27 điểm (-0,81%), xuống 26.222,40 điểm.
Giá vàng đảo chiều tăng tốt trong phiên đầu tuần mới khi rủi ro về địa chính trị vẫn còn hiện diện. Đầu tiên là sự không chắc chắn trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung, khả năng kinh tế Đức suy thoái, nhất là cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Trung Đông.
Kết thúc phiên 23/9, giá vàng giao ngay tăng 4,9 USD (+0,32%), lên 1.521,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 16,4 USD (+1,08%), lên 1.531,5 USD/ounce.
Giá dầu thô cũng hồi phục mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới sau chuỗi 3 phiên điều chỉnh liên tiếp cuối tuần qua. Giá dầu tăng trong bối cảnh nhà đầu tư đang tập trung chú ý vào thời điểm Ả Rập Xê út sẽ khôi phục được hoạt động sản xuất sau các vụ tấn công ngày 14/9 vừa qua.
Kết thúc phiên 23/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,55 USD (+0,95%), lên 58,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,49 USD (+0,8%), lên 64,77 USD/thùng.