Tất cả các lĩnh vực chính của S&P 500 đều giảm trong ngày, dẫn đầu là công nghệ giảm 1,7%.
Trong số các quan chức của Fed, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari đã có phát biểu nói rằng, ông ủng hộ Fed hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng nếu lạm phát tiếp tục chững lại, điều đó có thể không cần thiết.
Trước đó vào thứ Năm, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cho biết ngân hàng trung ương Mỹ cần "thời gian để những đám mây tan" về lạm phát trước khi bắt đầu nghĩ về khả năng cắt giảm lãi suất.
Trước đó một ngày, hôm thứ Tư, các quan chức Fed bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell đã mắc kẹt với chiến lược “cắt giảm lãi suất thận trọng”.
Kỳ vọng về cắt giảm lãi suất yếu đi khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,305%, thấp hơn đôi chút so với mức đỉnh của ngày hôm trước tại 4,429% và tạo áp lực lớn đối với Phố Wall trong phiên hôm nay.
Hiện tại giới đầu tư sẽ hướng về báo cáo việc làm tháng 3 sẽ được công bố vào thứ Sáu. Các nhà kinh tế kỳ vọng số lượng việc làm sẽ tăng thêm 200.000, cùng với tỷ lệ thất nghiệp là 3,8%.
Vào tháng 2, thị trường lao động Mỹ đã tạo thêm 275.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,9%. Một báo cáo việc làm quá nóng có thể thúc đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn nữa và gây áp lực buộc Fed duy trì lãi suất cao.
Kết thúc phiên 4/4: Chỉ số Dow Jones giảm 530,16 điểm (-1,35%), xuống 38.596,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 64,28 điểm (-1,23%), xuống 5.147,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 222,38 điểm (-1,40%), xuống 16.049,08 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng, dẫn đầu bởi các lĩnh vực mang tính chu kỳ như khai thác mỏ và sản xuất ô tô, khi lực mua mạnh dạn hơn nhờ các dấu hiệu phục hồi trong nền kinh tế khu vực đồng euro cũng như lạm phát được kiểm soát.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 tăng 0,16% lên 510,84 điểm, dẫn đầu bởi mức tăng 1,7% trong lĩnh vực tài nguyên cơ bản khi giá đồng đạt mức cao nhất trong hơn 14 tháng. Trong khi cổ phiếu các nhà sản xuất ô và ngân hàng tăng hơn 1% mỗi ngành.
Hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro đã tăng lên ngưỡng mở rộng vào tháng trước, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023, nhưng sự phục hồi không đồng đều, trong đó, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ đã bù đắp cho sự suy thoái sâu hơn trong sản xuất, một cuộc khảo sát cho thấy.
Một dữ liệu khác cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của khu vực đồng euro đã giảm 1% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều hơn ước tính của các nhà kinh tế là giảm 0,7%. Điều này diễn ra sau khi lạm phát tiêu dùng tháng 3 cho dấu hiệu hạ nhiệt.
"Xu hướng lạm phát gần đây ở châu Âu trái ngược hoàn toàn với những gì đang xảy ra ở Mỹ. Sự khác biệt trong động lực lạm phát này sẽ buộc ECB phải ôn hòa hơn Fed", theo các chiến lược gia tại BCA Research.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày càng tự tin rằng lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2% và khả năng cắt giảm lãi suất đang được củng cố.
Kết thúc phiên 4/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 38,45 điểm (+0,48%), lên 7.975,89 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 35,41 điểm (+0,19%), lên 18.403,13 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,68 điểm (-0,02%), xuống 8.151,55 điểm.
Giá dầu thô tiếp tục tăng, sau khi có thông tin cho rằng các đại sứ quán Israel trên khắp thế giới đã được đặt trong tình trạng báo động cao do mối đe dọa ngày càng tăng về một cuộc tấn công trả đũa của Iran.
Kết thúc phiên 4/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,16 USD/thùng (+1,4%), lên 86,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,30 USD (+1,5%), lên 90,65 USD/thùng.