Kozo Yamamoto, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Shinzo Abe, đồng thời là thành viên của Đảng Tự do dân chủ (LDP) vừa trình kiến nghị cho rằng, Nhật Bản cần bổ sung thêm 30.000 tỷ yên (273 tỷ USD) vào các chính sách tài khóa trong giai đoạn từ nay tới khi kết thúc năm tài chính 2017.
Bản kiến nghị từ ông Kozo Yamamoto, cùng với những thành viên ủng hộ thuộc LDP, đồng thời cũng lên kế hoạch khởi động việc tăng thuế vào tháng 4/2017 và chỉ ra những thiệt hại mà Nhật Bản phải gánh chịu trong năm nay do những trận động đất gần đây gây ra.
Vài giờ sau khi kiến nghị này được công bố, một cố vấn cấp cao khác của Thủ tướng Abe, ông Etsuro Honda đã lập tức đưa ra những lý lẽ phản ứng trước đề nghị tăng thuế vào đầu năm 2017. Theo ông Etsuro Honda, cần trì hoãn lịch trình tăng thuế cho tới khi nền kinh tế Nhật Bản tránh khỏi tình trạng giảm phát và nền kinh tế Nhật vẫn chưa đủ sức để cân bằng những ảnh hưởng của việc tăng thuế.
"Ông Kozo Yamamoto, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Shinzo Abe, đồng thời là thành viên của Đảng Tự do dân chủ (LDP) cho biết: Việc trì hoãn nâng thuế sẽ không giúp ích gì cho việc cải thiện tình trạng hiện tại của nền kinh tế Nhật Bản. Điều cần làm bây giờ là các chính sách thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng."
Tháng 3/2016, Thủ tướng Abe đã nhắc lại quyết tâm thực hiện kế hoạch tăng thuế tiêu dùng và cho rằng, chỉ những cú sốc kinh tế lớn như việc nhà băng Lehman phá sản gây ra khủng hoảng kinh tế năm 2008 mới có thể trì hoãn lịch trình này. Mặc dù vậy, ông Abe vẫn nhóm họp các cố vấn kinh tế, bao gồm những thành viên kêu gọi trì hoãn tăng thuế để tiến hành thảo luận. Các cố vấn cũng như chuyên gia kinh tế Nhật Bản có thời gian khoảng một tháng tranh luận, trước khi Thủ tướng Abe sử dụng quyền lực của mình đưa ra quyết định cuối cùng.
Kiến nghị của ông Yamamoto cùng những người ủng hộ được đưa ra vào thời điểm Nhật Bản sẽ giữ vị trí Chủ tịch Hội nghị Nhóm các nước phát triển (G7), nơi bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia thuộc nhóm gặp gỡ, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/5 tới tại Nhật Bản.
Trả lời phỏng vấn về kiến nghị trên, ông Yamamoto cho biết: “Rõ ràng rằng việc trì hoãn nâng thuế sẽ không giúp ích gì cho việc cải thiện tình trạng hiện tại của nền kinh tế Nhật Bản. Điều cần làm bây giờ là các chính sách thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng”.
Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản từ lâu đã liên tục vận động sớm nâng mức thuế tiêu dùng nhằm giúp kiềm chế gánh nặng từ các khoản nợ của chính phủ.
Bên cạnh đó, nền kinh tế của đất nước Mặt trời mọc đang có các dấu hiệu tích cực. Tăng trưởng GDP quý I đạt 1,7%, cao hơn so với dự kiến trước đó, đồng thời vượt khá xa mức tăng trưởng 0,5% của Mỹ 3 tháng đầu năm nay. Chưa kể, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giao dịch khá ổn định trở lại, thoát khỏi đà giảm mạnh đầu năm do chịu ảnh hưởng từ biến động tại thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Lý giải thêm về kiến nghị của ông Yamamoto, Daiju Aoki, nhà kinh tế học tại UBS Group AG cho biết: “Tác động tiêu cực của việc tăng thuế sẽ bị vô hiệu nếu kế hoạch này giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Theo đó, nếu thuế tiêu thụ được nâng lên vào tháng 4/2017 như lịch trình đã đề ra, cá nhân cũng như các công ty Nhật Bản sẽ gia tăng tiêu dùng vào nửa cuối năm nay nhằm tận dụng mức thuế hiện tại. Khi đó, mục đích của việc bổ sung thêm ngân sách là nhằm hỗ trợ khi nhu cầu tiêu dùng trượt dốc nhẹ khi thuế tăng”.
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản chắc chắn sẽ có những chính sách bệ đỡ trước tác động của việc tăng thuế. Khi Nhật Bản nâng thuế tiêu dùng từ 5% lên mức 8% vào năm 2014, nền kinh tế nước này bắt đầu chìm sâu hơn vào suy thoái. Kinh nghiệm này sẽ giúp giới chức Nhật Bản có những chính sách hữu ích hơn trong bối cảnh hiện tại, Aoki cho biết.