Đó là đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tạp chí Thương Gia phối hợp tổ chức sáng 23/4/2019.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm, sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.
Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài.
Số liệu từ Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính chung trong 11 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế mới tăng thêm 8,3 tỷ USD.
Theo đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đăng ký đầu tư cho khoảng 560 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,3 tỷ USD và tăng vốn cho gần 500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 3 tỷ USD.
Lũy kế đến hết tháng 11/2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được khoảng 7.500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 970 nghìn tỷ đồng và khoảng 8.000 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 145 tỷ USD.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và sự bùng nổ dự án FDI vào Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển. Tính đến hết tháng 11/2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 93.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 64.000 ha, chiếm khoảng 68% tổng diện tích đất tự nhiên.
Trong số 326 khu công nghiệp được thành lập, có 249 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 68 nghìn ha và 77 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên trên 25 nghìn ha.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt trên 73% và tiếp tục gia tăng cho thấy tiềm năng đối với phân khúc này.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, phát triển bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục rộng mở, đặc biệt sau khi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế ra đời, đã cụ thể hóa và bổ sung thêm nhiều điều kiện cho việc phát triển bất động công nghiệp.
Sự thay đổi quan trọng của Nghị định số 82 là việc đa dạng hoá các loại hình khu công nghiệp thành khu đa chức năng. Điều này xuất phát từ thực tế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng thương mại điện tử đang tạo nên nhu cầu phát triển nhu cầu hạ tầng và công nghệ hiện đại, kết nối xuyên suốt và đồng bộ. Do đó, yêu cầu này đòi hỏi việc phải tạo nên một yêu cầu mới cho hệ thống bất động sản công nghiệp với tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn.
Đồng quan điểm, ông Ngô Hữu Tiệp, CEO GIZA E&C cho rằng, con đường phía trước của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam sẽ là những giai đoạn phát triển tiếp nối nhau. Trong đó, xu hướng thiết kế, xây dựng khu công nghiệp cần được thiết kế quy hoạch từ góc nhìn quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.
"Xuất phát từ thực tế rằng, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp và cùng với đó là quá trình mở rộng sản xuất bên cạnh việc tạo ra công ăn việc làm cho đông đảo người lao động, đóng góp cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thì cũng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tác động xấu đến cuộc sống của người dân xung quanh. Chưa kể đến việc các nguồn tài nguyên chưa được sử dụng tối ưu, sự liên kết giữa các doanh nghiệp cùng khu và giữa các khu công nghiệp chưa mạnh mẽ, các dịch vụ phục vụ các nhà đầu tư tại các khu công nghiệp chưa đầy đủ và đáp ứng được các yêu cầu của các khách hàng", ông Tiệp phân tích.
Ngoài ra, theo ông Tiệp, số lượng người lao động, cán bộ quản lý, chuyên gia tập trung với số lượng lớn cũng làm xuất hiện các yêu cầu mới đối với việc đảm bảo các hạ tầng xã hội và dịch vụ phục vụ cho cuộc sống công nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, với tư cách là một nhà thầu hạ tầng khu công nghiệp, GIZA nhận thấy, cần định hướng ngành nghề rõ ràng, đặc thù hơn tại các khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái để thu hút các doanh nghiệp liên kết.
Ngoài ra, cần liên kết nội khu của khu công nghiệp chặt chẽ hơn bằng cách các nhà quy hoạch, thiết kế…; gắn chặt quy hoạch, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất gắn liền với hạ tầng xã hội. Và cuối cùng, quy hoạch và thiết kế các khu công nghiệp an toàn hơn, sạch - xanh - đẹp hơn và nhân văn hơn.