Tuy nhiên, một luồng gió mậu dịch mới đang hình thành, sẽ thổi 2 chiều giữa hai bờ đại dương, đó là vùng Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương, giúp mậu dịch trở nên sôi động hơn bao giờ hết, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Tấm bản đồ chỉ ra “vùng đất của vàng và gia vị”
Tháng 7/2015, tại Thư viện Quốc gia Singapore mở triển lãm bản đồ cổ và hiếm vùng Đông Nam Á với tên gọi “Vùng đất của vàng và gia vị”. Vàng bạc mang về từ châu Á thời xưa không chỉ đơn thuần là của cải, mà còn biểu hiện cho sức mạnh chinh phục và quyền lực. Còn các loại gia vị như hồ tiêu, hồi, quế, trầm và nhiều loại lâm thổ sản thì thật sự là một món hàng quý giá, đến độ nó là động lực thúc đẩy những chuyến thám hiểm đường biển.
Trong số hàng ngàn bản đồ trưng bày tại đây, tôi chú ý đến một tấm bản đồ có vẽ rất nhiều mũi tên, chiếm hết không gian vùng biển từ Malaysia, Việt Nam (Hoàng Sa, Trường Sa), Philippines, Trung Quốc tới Nhật Bản. Trên tấm bản đồ này, ở vùng biển Đông Việt Nam có những mũi tên ghi tháng 4, 5, 6, 7, 8 và 9 chạy theo hướng Tây Nam. Chiều ngược lại là các mũi tên ghi tháng 10, 11, 12 và tháng 1, 2, 3 có hướng Đông Bắc.
Người Việt ai mà không nhớ những đợt gió mùa Đông từ phương Bắc tràn về. Gió lạnh cắt da, cắt thịt, đáng sợ hơn cả những ngày Đông tuyết giá lạnh ở châu Âu. Mùa Hè khiến người ta nhớ tới những trận gió Lào, thổi từ hướng Tây Nam, chúng vượt qua dãy Trường Sơn, đánh rơi hết nước ở dọc đường đi, khi về tới miền Trung, miền Bắc chỉ còn cái nóng khô khốc như rang trên chảo lửa. Nhưng có một loại gió mà hiện nay có lẽ không nhiều người còn nhớ, đó là gió mậu dịch.
Gió mậu dịch là loại gió thổi từ các khu cao áp cận nhiệt đới về xích đạo; gió này có hướng Đông Bắc ở bán cầu Bắc và Đông Nam ở Bán cầu Nam; gió thổi quanh năm và khá đều đặn theo hướng gần như cố định, tính chất của gió nói chung là khô. Đằng sau khái niệm địa lý khô khan này, gió mậu dịch còn có rất nhiều ý nghĩa kinh tế liên quan đến Việt Nam.
Gió mậu dịch từ châu Âu tới Việt Nam
Thuật ngữ gió mậu dịch (trade wind) có từ khoảng thế kỷ thứ 15. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là các nước thua trận trong các cuộc chiến tranh liên miên ở châu Âu thời đó, khiến họ buộc phải tìm một con đường để thoát khỏi nghèo đói và nguy cơ bị chinh phạt. Họ nhận ra rằng, châu Á và tài nguyên của nó là lối thoát của đất nước. Đường biển là lối ra duy nhất, nhưng muốn qua châu Á, họ phải vòng qua châu Âu và cần có một ngọn gió.
Qua nhiều chuyến thám hiểm, họ đã tìm ra những luồng gió thổi theo mùa, giúp thuyền rời khỏi châu Âu đến châu Phi, xa hơn là châu Á và sau đó quay trở lại. Người ta gọi nó là gió chỉ đường. Nhờ những luồng gió chỉ đường này mà các chiến thuyền, thuyền buôn của người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha đã đến được nhiều nơi để buôn bán, trao đổi hàng hóa, mang về vàng bạc, của cải, gia vị, tạo nên sự giàu có, thịnh vượng. Vì thế, nó mới có ý nghĩa là gió mậu dịch.
Nước ta may mắn nằm ở “vùng đất vàng và gia vị”, lại có luồng gió mậu dịch thổi qua, nên các thương thuyền của nhiều nước đã đến Việt Nam từ rất sớm. Gần 9 thế kỷ trước, năm 1149, ắt hẳn là nhờ gió mùa mậu dịch thổi từ hướng Tây Nam mà “thuyền buôn 3 nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, vua Lý Anh Tông chấp thuận và cho lập khu thương cảng ở Vân đồn, Quảng Ninh để làm nơi mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương (theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Cũng do luồng gió mậu dịch thổi từ hướng Đông Bắc vào tháng 10 đến tháng 3 mà đoàn thuyền 14 chiếc do nhà thám hiểm người Ý Marco Polo đã rời Trung Quốc để về lại châu Âu. Trên đường về, đoàn thuyền gặp một trận bão đắm mất mấy cái, số còn lại dạt vào một hòn đảo của Việt Nam được đặt tên là Poulo Condor, tức Côn Đảo ngày nay.
Cũng nhờ các luồng gió mậu dịch mà từ thế kỷ 17 - 18, các tàu buôn Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật đã tới được Việt Nam, tạo nên 2 thương cảng sầm uất để buôn bán, trao đổi hàng hoá là thương cảng Phố Hiến (Hưng Yên) và thương cảng Hội An (Quảng Nam).
… và đưa thuyền buồm từ Việt Nam vượt Thái Bình Dương đến Mỹ
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật của một người Anh được ghi chép tỉ mỉ trong cuốn nhật ký “Bè tre Việt Nam du ký 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương” (Nhà xuất bản Trẻ 2014). Tốt nghiệp Đại học Oxford, nhưng ông Tim Severin đã từ bỏ nhiều thứ để thực hiện ước mơ du hành của mình.
Nhiều dấu hiệu khảo cổ, nhiều tài liệu đã đưa ra giả thuyết rằng, từ trước cả khi Columbus tìm ra châu Mỹ đã có sự giao lưu, trao đổi thông qua đường biển, bằng thuyền, giữa 2 bờ Thái Bình Dương, châu Á với châu Mỹ.
Người ta đã đưa ra nhiều điểm tương đồng như cấu trúc ADN của người Mỹ bản xứ và các tộc người châu Á; tượng điêu khắc bằng đá của người Maya có tạc đầu, vòi voi và quản tượng, những thứ có thể mang từ châu Á sang; những đồ gốm cổ xưa tìm thấy ở Ecuador rất giống với đồ gốm Trung Hoa…
Năm 1993, ông Tim Severin đã sang Việt Nam, bắt đầu dự án đóng một chiếc bè có buồm và thực hiện một chuyến đi để chứng minh một phần những giả thuyết đó. Ông đã đến Thanh Hoá, mua tre và kết thành một chiếc mảng lớn, sau đó đưa đến Quảng Ninh để gắn chiếc buồm cánh dơi truyền thống của Việt Nam.
Chiếc bè tre có buồm không hề có động cơ đã rời Việt Nam, sang Hồng Kông bắt đầu chuyến du hành vượt biển, với lòng tin và sự quả cảm của đoàn thám hiểm 5 người, trong đó có một người Việt Nam. Nhờ có các luồng gió làm căng buồm, nhờ có các dòng hải lưu trên Thái Bình Dương mà chiếc bè đã tới Hồng Kông, Đài Loan, tới Nhật, rồi ròng rã thêm 105 ngày nữa từ Tokyo tới vùng biển Bắc, châu Mỹ.
Chuyến thám hiểm này đã chứng tỏ một điều, chỉ với phương tiện rất cổ xưa, bè tre và buồm, không hề có máy móc động cơ, người châu Á có thể vượt biển sang châu Mỹ. Gió mậu dịch đã nối liền 2 bờ Thái Bình Dương.
Máy hơi nước, tàu chợ và sự “suy yếu” của gió mậu dịch
Máy hơi nước ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành hàng hải. Một năm sau khi James Watt đăng ký bản quyền chiếc máy hơi nước, thì năm 1783, chiếc tàu thuỷ đầu tiên có máy hơi nước do Jouffroy d’Abbans chế tạo đã chạy thử trên sông Saone, Pháp.
Tàu thủy có máy hơi nước chứng tỏ sự vượt trội hơn hẳn thuyền buồm khi năm 1838, tàu thủy SS Great Western của nước Anh đã vượt qua Đại Tây Dương sang Mỹ chỉ mất có 15 ngày, so với các tàu buồm chạy ròng rã hơn 2 tháng. Từ đây, người ta có thể mở các tuyến tàu có cảng đi cảng đến cụ thể, ấn định lịch tàu mà không phụ thuộc vào các luồng gió nữa, những chuyến tàu chợ đã ra đời.
Từ những năm 1950, tàu chợ có thêm một cuộc cách mạng khi container được phát minh. Những tàu container chạy chuyên tuyến đã giúp ngành vận tải thương mại hàng hoá, tàu chợ phát triển như vũ bão, làm thay đổi hoàn toàn mậu dịch thế giới. Mấy chục năm sau đó, hình thức vận tải này đã được mở ra tại Việt Nam.
Ngày 10/1/1989, chuyến tàu container đầu tiên rời cảng Tân Thuận, TP. HCM tới Singapore, đánh dấu một mốc phát triển mới của Việt Nam vào mậu dịch thế giới. Nếu như những chuyến tàu đầu tiên chỉ có vài chục container, thì đến năm 2015 đã có hơn 11 triệu conatiner được chuyên chở đến và đi các cảng biển Việt Nam.
Những luồng gió mậu dịch mới ở Biển Đông
Mặc dù gió mậu dịch đã không còn vai trò trong việc thúc đẩy thương mại, nhưng ở vùng Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương thì mậu dịch lại sôi động hơn bao giờ hết. Báo cáo về vận tải hàng hải năm 2015 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, có 9,84 tỷ tấn hàng hóa, tương đương với 4/5 tổng số thương mại toàn cầu được vận tải bằng đường biển. Trên thế giới có 2 tuyến đường biển nhộn nhịp nhất đó là tuyến qua Địa Trung Hải và tuyến qua Biển Đông, chiếm gần một nửa lượng hóa vận chuyển toàn cầu.
Biển Đông và Thái Bình Dương sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa khi 12 nước ở hai bên bờ đại dương là Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản đã kết thúc đàm phán và sẽ ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 2/2016.
Hiệp định này hướng tới xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, đồng thời thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc về sở hữu trí tuệ, chất lượng, an toàn lao động, hoạt động công đoàn. Một luồng gió mậu dịch mới đang hình thành và sẽ thổi 2 chiều giữa hai bờ đại dương.
Thuyền buồm không phải lúc nào cũng chạy thuận buồm xuôi gió, nhưng ngay cả khi gặp những cơn gió xéo, gió chếch ngược, thuyền vẫn có thể di chuyển nhờ một dụng cụ đặc biệt, gọi là chiếc xiểm. Gió chếch thổi vào buồm sẽ tạo thành hai lực, một lực có thể làm thuyền tiến theo hướng gió, một lực làm thuyền giạt ngang. Chiếc xiểm là một tấm gỗ đặt dưới mặt nước giúp triệt tiêu lực dạt ngang, giúp thuyền đi được đúng hướng. Gia nhập TPP, chắc hẳn không chỉ có thuận lợi, mà có cả những khó khăn, thách thức, có cả những lúc phải đi ngược gió, bị gió cản đường.
Muốn tới được bờ thật nhanh, buôn bán làm ăn phát đạt, cần phải biết tuân theo những quy luật thị trường, biết nương theo mùa gió thuận. Mùa của gió TPP là mùa của lúa gạo, nông sản, mùa thu hoạch tôm cá hải sản, mùa xuất hàng may mặc, dày dép phục vụ dịp Giáng sinh, năm mới…
Muốn chống được những cơn gió ngược, gió cản từ bờ bên kia dại dương, thì nhất thiết phải tìm được cho mình những chiếc “xiểm” phù hợp, đó là những điểm khác biệt của hàng hóa, những thế mạnh của Việt Nam, đủ để triệt tiêu những lực cản ngang, đưa Việt Nam tiến lên phía trước.