Báo cáo đẹp hơn
Quý III, Gilimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế 128,21 tỷ đồng, tăng 598,7% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu chỉ đạt hơn 213 tỷ đồng, giảm 66,1%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 2.904,67 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 351,51 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,6% và tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thuyết minh của Gilimex, lãi quý III cao nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến trong kỳ, chủ yếu do ghi nhận 200,9 tỷ đồng lãi thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, doanh thu tài chính quý III đạt 269,12 tỷ đồng, tăng 834,4% so với cùng kỳ; chi phí tài chính là hơn 100 tỷ đồng, tăng 528,2%; lãi công ty liên doanh, liên kết 10,77 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 8,07 tỷ đồng của cùng kỳ; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 39%, tương ứng giảm 28,46 tỷ đồng về 44,48 tỷ đồng.
Nếu ngoại trừ khoản lãi từ thanh lý tài sản, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty trong quý này lỗ gần 124 tỷ đồng (tính bằng công thức lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), còn trong 9 tháng ghi nhận 73,33 tỷ đồng, giảm 68,3% so với cùng kỳ.
Tháng 7/2022, Gilimex thông qua kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại công ty liên kết là Công ty cổ phần Dệt may Gia Định (có vốn điều lệ 627,4 tỷ đồng). Đến cuối tháng 9, Công ty báo cáo chỉ còn sở hữu 35% vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hoàng Anh. Như vậy, doanh thu tài chính đột biến trong quý III nhiều khả năng đến từ bán tài sản là phần vốn góp tại Dệt may Gia Định.
Như vậy, nhờ việc bán đi vốn góp tại một công ty liên kết, Gilimex đã thoát lỗ trong quý III và đồng thời giúp báo cáo “đẹp” hơn trong 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu đang chậm lại.
Khoảng trống hoạt động kinh doanh cốt lõi
Hoạt động chính của Gilimex là sản xuất, gia công, thương mại, xuất khẩu các sản phẩm thuộc ngành may và cho thuê khu công nghiệp. Hiện Công ty có 158 dây chuyền may tại Nhà máy Bình Thạnh, Thạnh Mỹ và các nhà máy vệ tinh.
Theo Mirae Asset Vietnam Research, 85% doanh thu xuất khẩu của Gilimex đến từ khách hàng Amazon; 12% đến từ IKEA (châu Âu) và khoảng 2% đến từ đối tác Ballard (Mỹ). Thông tin được Chứng khoán DSC đưa ra, khách hàng lớn nhất của Gilimex là Amazon vừa gia hạn hợp đồng từ tháng 7/2022, tuy nhiên, giá trị và lượng đơn hàng có xu hướng giảm trong giai đoạn nửa cuối năm 2022.
Nikkei Asia đánh giá, các nhà máy Việt Nam gặp khó khăn do đơn đặt hàng từ phương Tây chậm lại. Nhu cầu mua sắm sụt giảm mạnh trong năm 2022 do sự suy thoái ở các nền kinh tế phương Tây đang ảnh hưởng tới các quốc gia đóng vai trò là nguồn cung cấp hàng đầu các sản phẩm quần áo, đồ điện tử và các món quà tặng dịp lễ phổ biến khác như Việt Nam.
Với tình hình thị trường hiện nay, mảng xuất khẩu dệt may của Gilimex sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn. Trong khi đó, với mảng kinh doanh khu công nghiệp, các dự án chủ yếu đang trong giai đoạn đầu tư.
Hiện tại, Gilimex đang đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4 với tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2022. Một dự án khác là Khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022.