Gilimex (GIL): Hụt hẫng!

(ĐTCK) Đơn hàng dệt may từ đối tác Amazon sụt giảm và lĩnh vực mới là bất động sản khu công nghiệp có thể chưa mang lại doanh thu, nên Công ty cổ phần Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán GIL) dự kiến lợi nhuận năm 2023 chỉ đạt bằng một phần tư năm 2022.
Lĩnh vực chính của Gilimex là gia công hàng dệt may, nhưng vài năm gần đây đẩy mạnh mảng bất động sản khu công nghiệp

Kỳ vọng mảng bất động sản khu công nghiệp từ năm 2024

Năm 2023, Gilimex lên kế hoạch đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 103,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số thực hiện năm 2022 là 3.166,7 tỷ đồng doanh thu và 361,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Thực tế, trong năm 2022, doanh thu của Gilimex giảm 23,7% và biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,2% về 15,6%, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 9,5%, nhờ thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết là Công ty cổ phần Dệt may Gia Định và lãi tỷ giá (doanh thu tài chính đạt 445,6 tỷ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ; trong đó có 197,6 tỷ đồng thanh lý công ty liên kết và 185,9 tỷ đồng lãi tỷ giá).

Doanh thu trong năm qua của Gilimex giảm là do đơn hàng dệt may từ đối tác Amazon đột ngột thu hẹp kể từ quý II/2022. Trước đó, Amazon là khách hàng lớn nhất của Gilimex, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD trong năm 2021. Theo Mirae Asset Vietnam Research, Gilimex chủ yếu cung cấp sản phẩm cho Amazon, mang lại khoảng 85% tổng doanh thu; 15% doanh thu còn lại phần lớn đến từ khách hàng IKEA (châu Âu), chiếm 12% và Ballard (Mỹ), chiếm khoảng 2%.

Với việc phụ thuộc vào Amazon, nên khi đối tác này gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, các đơn hàng của Gilimex bị ảnh hưởng. Công ty đã lên kế hoạch tìm kiếm khách hàng lớn tiềm năng nhằm bổ sung đơn hàng, đồng thời tìm kiếm các cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành để phát triển công suất, chủ động nguồn nguyên phụ liệu.

Gilimex chủ yếu may gia công theo hình thức FOB loại 2 (tự tìm kiếm đầu vào nguyên liệu) và nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Do đó, Công ty đầu tư chủ động nguồn nguyên phụ liệu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro nguồn cung, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị tồn kho vật tư đầu vào.

Với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Gilimex có động thái đẩy mạnh kể từ năm 2020. Tính đến cuối năm 2022, dự án Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 tại Thừa Thiên - Huế có quy mô 460,85 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng, đã đền bù và bàn giao mặt bằng đạt 88,5%. Mục tiêu của Gilimex là hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong quý II/2023; hoàn thành công tác thi công xây dựng, đưa phân khu A đi vào vận hành trong quý IV/2023; hoàn thành 100% công tác thi công xây dựng đối với phân kỳ 1 - phân kỳ B và đưa vào vận hành trong quý IV/2023.

Đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long, quy mô 400 ha, Công ty dự kiến sẽ thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý III/2023, phát triển các dịch vụ như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics để phục vụ cho các khu công nghiệp.

Nếu tiến độ các dự án khu công nghiệp được đảm bảo, kỳ vọng từ cuối năm 2023, Gilimex bắt đầu ghi nhận doanh thu, dần bù đắp phần sụt giảm của lĩnh vực cốt lõi là gia công hàng dệt may cho Amazon.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phát triển mảng khu công nghiệp, năm 2023, Gilimex dự kiến vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng để tài trợ vốn hoạt động, bên cạnh việc dùng khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.

Tính tới 31/12/2022, Gilimex có dư nợ vay 806,7 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng nguồn vốn, nhưng có 1.756,3 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 44% tổng tài sản. Nguồn tiền này sẽ góp phần giúp Gilimex tiếp tục rót vốn vào các dự án bất động sản trong bối cảnh hoạt động huy động vốn trên thị trường nói chung gặp khó khăn.

Amazon: Từ đối tác thành đối đầu

Năm 2022, sau khi ghi nhận tổng doanh thu trong quý I và II lần lượt là 1.416,8 tỷ đồng và 1.274,7 tỷ đồng, thì động thái thu hẹp đơn hàng của Amazon khiến quý III và IV, Gilimex chỉ đạt 213,1 tỷ đồng và 261,9 tỷ đồng doanh thu.

Cuối năm 2022, Gilimex nộp đơn khởi kiện Amazon lên một tòa án ở Mỹ, yêu cầu bồi thường 280 triệu USD, tương đương 6.600 tỷ đồng, vì đối tác vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận.

Gilimex có một thỏa thuận lâu dài với Amazon để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của đối tác trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi nhiều người ở nhà và mua sắm trực tuyến.

Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất, xây dựng các kho chứa bằng thép và vải dùng để sắp xếp hàng tồn kho trong kho của đối tác. Bên cạnh đó, Công ty tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm cho Amazon.

Tuy nhiên, vào tháng 4 và tháng 5/2022, Amazon “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 xuống còn một phần nhỏ, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Nhìn lại giai đoạn kể từ khi trở thành đối tác của Amazon năm 2014 cho đến năm 2021, Gilimex ghi nhận doanh thu tăng 274%, lên 4.150,3 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 588%, từ 48 tỷ đồng lên 330,6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước, với biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 17,5%.

Nhưng năm 2022, sau khi ghi nhận tổng doanh thu trong quý I và II lần lượt là 1.416,8 tỷ đồng và 1.274,7 tỷ đồng, thì động thái thu hẹp đơn hàng của Amazon khiến quý III và IV, Công ty chỉ đạt 213,1 tỷ đồng và 261,9 tỷ đồng doanh thu. Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho của Gilimex tăng từ 940,7 tỷ đồng cuối quý II/2022 lên 1.253,9 tỷ đồng vào cuối năm.

Thực tế, Amazon là “gã khổng lồ” trên thế giới, nhưng năm 2022 lãi rất ít, sau khi năm trước đó lãi 14,3 tỷ USD. Một chuyên gia phân tích tại Cowen & Company ước tính, nếu loại trừ mảng quảng cáo và đám mây đang sinh lợi, thì các mảng bán lẻ, studio, thiết bị và các dự án tiêu dùng khác của Amazon lỗ hơn 25 tỷ USD trong năm qua.

Gilime tiền thân là Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận Bình Thạnh, thành lập năm 1982. Đến năm 2000, doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 12 tỷ đồng, hiện đã tăng lên 700 tỷ đồng. Công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc và hàng gia dụng.

Tính tới cuối năm 2022, Gilimex có hai cổ đông lớn là ông Lê Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 9,03% vốn điều lệ; nhà đầu tư Lê Anh Thư sở hữu 5,08% vốn điều lệ; các cổ đông nhỏ sở hữu 85,89% vốn điều lệ.

Cổ phiếu GIL từng đạt mức giá trên 80.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 4/2022, nhưng do đối tác giảm đơn hàng và thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm, nên thị giá cổ phiếu đi xuống, gần đây tăng nhẹ, dao động quanh mức 24.000 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục