Gilimex (GIL): Dấu hỏi đợt huy động vốn mới

(ĐTCK) CTCP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) vừa công bố chào bán 12 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 2:1) với giá 15.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 180 tỷ đồng để thanh toán tiền vay ngân hàng. Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 15/4.
Gilimex (GIL): Dấu hỏi đợt huy động vốn mới

Trước đó, vào cuối tháng 11/2019, GIL từng tiến hành huy động 180 tỷ đồng cũng từ phát hành 12 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tài trợ vốn cho dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4. Ðáng chú ý, mặc dù phát hành cổ phiếu tăng vốn, nhưng GIL không công bố cụ thể mục đích sử dụng vốn trong tài liệu Ðại hội đồng cổ đông bất thường.

Tại báo cáo tài chính năm 2019, GIL có 435 tỷ đồng tiền mặt (bao gồm các khoản tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn), chiếm 22,91% tổng tài sản, trong khi với nhu cầu đầu tư dự án, GIL cần góp vốn 225 tỷ đồng. Ðiều này khiến lượng tiền mặt giảm đáng kể, ảnh hưởng tới vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thực tế, ngoại trừ năm 2019 tăng đột biến, nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh những năm trước đó không quá lớn.

Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh tạo ra năm 2016 là 62,4 tỷ đồng, năm 2017 là 9,8 tỷ đồng, năm 2018 là âm 56 tỷ đồng và năm 2019 là 313,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động đầu tư thường được mở rộng khiến dòng tiền này luôn âm: Năm 2016 âm 194,1 tỷ đồng, năm 2017 âm 10 tỷ đồng, năm 2018 âm 22 tỷ đồng và năm 2019 âm 74 tỷ đồng.

Ðể bù đắp thiếu hụt, GIL phải huy động dòng tiền tài trợ từ hoạt động tài chính: Năm 2016 là 14 tỷ đồng, năm 2017 là 58 tỷ đồng, năm 2018 là 141 tỷ đồng và năm 2019 âm 115 tỷ đồng (do giảm áp lực tài chính nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tăng đột biến).

Có thể thấy, hoạt động kinh doanh của GIL không tạo ra dòng tiền đều, trong khi liên tục phải tăng đầu tư khiến quỹ tiền mặt bị thâm hụt, cũng như gia tăng tài trợ từ nguồn vốn bên ngoài.

Năm 2019, để cải thiện dòng tiền hoạt động kinh doanh, hàng tồn kho đã giảm 202 tỷ đồng về 641,6 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị tồn kho và khoản phải thu vẫn ở mức cao, đạt 1.022,6 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng tài sản.

Hoạt động chủ yếu của GIL là sản xuất, xuất khẩu hàng may gia dụng sang các thị trường châu Âu và Mỹ. Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2019, GIL có khoản phải thu đến từ nhiều tổ chức như Amazon Robotics 238 tỷ đồng, Ikea Supply AG 46,3 tỷ đồng, Ikea Trading HongKong LTD 30,2 tỷ đồng…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu - là những thị trường tiêu thụ chính, doanh số bán hàng và khả năng thu hồi nợ của GIL đang gặp thử thách.

Mặt khác, đặc tính phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ bên ngoài, sử dụng thâm hụt vốn, nguyên liệu lớn (tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thường duy trì ở mức cao qua các năm, từ 79-85%) cũng tác động tới biên an toàn lợi nhuận gộp nếu doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thông thường, để đảm bảo huy động vốn thành công từ phát hành thêm cổ phiếu, ngoài mức giá hay mục đích phát hành, triển vọng kinh tế tại thời điểm phát hành cũng là yếu tố quan trọng.

Ðiều này giải thích vì sao đa phần các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thường huy động vốn khi nền kinh tế bước vào chu kỳ tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện tại, GIL đang thiếu đi những yếu tố hỗ trợ này, nên cũng dễ hiểu khi dấu hỏi về sự thành công của đợt phát hành tới đây được đặt ra.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 12/11/2019, cổ đông GIL đã thông qua chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Phú Bài 4 diện tích 507 ha tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 500 tỷ đồng, vốn huy động từ ngân hàng và nhà đầu tư thứ cấp là 2.500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thất thủ tục năm 2020, thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và kinh doanh sản phẩm đất khu công nghiệp là 7 năm (từ 2020 đến 2027). Để thực hiện dự án, GIL thành lập CTCP Khu công nghiệp Gilimex vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó GIL góp 255 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 51%.

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu GIL từ đầu năm 2020 đến nay không hoàn toàn theo diễn biến chung.

Cụ thể, thị giá của GIL tăng mạnh hồi cuối tháng 1 đầu tháng 2/2020, từ mức giá 16.800 đồng/cổ phiếu lên 21.850 đồng/cổ phiếu, trước khi giảm trở lại quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2019, GIL đạt 2.539 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,7% so với năm 2018, nhưng lãi sau thuế chỉ xấp xỉ cùng kỳ, đạt gần 163 tỷ đồng.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục