Gilimex (GIL) chuyển hướng sang bất động sản?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - mã chứng khoán GIL: HOSE) hoạt động chính trong lĩnh vực dệt may đang có tham vọng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực bất động sản.
Năm 2020, đơn hàng từ Amazon và IKE mang lại khoảng 80% doanh thu cho Gilimex. Năm 2020, đơn hàng từ Amazon và IKE mang lại khoảng 80% doanh thu cho Gilimex.

Lợi nhuận quý I/2021 tăng, nhưng dòng tiền âm

Kết thúc quý đầu năm 2021, Gilimex đạt doanh thu hợp nhất 864,19 tỷ đồng, tăng 19,7%; biên lãi gộp tăng lên 19,4% từ mức 16% của quý I/2020, giúp lợi nhuận gộp đạt 167,9 tỷ đồng, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lần lượt 17,6% và 59,3% so với cùng kỳ, nhưng sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận gộp cùng hoạt động tài chính đem về lợi nhuận nhờ diễn biến tỷ giá thuận lợi đã giúp Gilimex thu về 91,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 69%, lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, cao nhất trong trong nhiều năm gần đây.

Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Gilimex âm 95,1 tỷ đồng, chủ yếu do khoản phải thu và tồn kho tăng mạnh.

Tính đến cuối quý I/2021, Gilimex có tổng tài sản 2.760 tỷ đồng, trong đó, giá trị các khoản phải thu và hàng tồn kho lần lượt là 685,8 tỷ đồng và 557,4 tỷ đồng (tương ứng chiếm 24,8% và 20,2% tổng tài sản), tăng 8,8% và 9% so với đầu năm. Trong khi đó, ở phần nguồn vốn, số dư phải trả người bán là 447,6 tỷ đồng (chiếm 16,2% cơ cấu nguồn vốn), giảm 4%.

Gilimex không thuyết minh chi tiết đối tác phải thu trong báo cáo tài chính quý I/2021, nhưng tính đến cuối năm 2020, khoản phải thu từ Amazon lên đến 397,7 tỷ đồng, chiếm 80% cấu trúc phải thu khách hàng và phải thu từ IKEA chiếm 18% với 90,6 tỷ đồng (trong năm 2020, đơn hàng từ Amazon và IKE mang lại khoảng 80% doanh thu cho Gilimex).

Bên cạnh đó, dòng tiền hoạt động đầu tư quý I/2021 của Gilimex ở trạng thái chi vượt thu 66,8 tỷ đồng, chủ yếu do đầu tư vào tài sản cố định; lưu chuyển tiền thuần quý đầu năm âm 138 tỷ đồng và Công ty một mặt giảm lượng tiền tích trữ so với cuối năm 2020, một mặt tăng vay nợ ròng thêm 23,7 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, việc mở rộng đầu tư khiến dòng tiền đầu tư vào tài sản cố định của Gilimex gia tăng, từ 12 tỷ đồng năm 2018 lên 49,9 tỷ đồng năm 2019, 63,1 tỷ đồng năm 2020 và quý I/2021 là 71,4 tỷ đồng.

Cùng với việc duy trì chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong khi dòng tiền kinh doanh thường xuyên thấp hơn đáng kể lợi nhuận thu về, chưa đủ tài trợ nhu cầu đầu tư, trả nợ, trả cổ tức, khiến Gilimex liên tục phải gia tăng vay nợ, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động.

Tham vọng với các dự án bất động sản

Sở hữu 38 dây chuyền may ở hai nhà máy Bình Thạnh và Thạnh Mỹ, cùng hệ thống gia công với 41 dây chuyền khác, Gilimex hiện là một trong các doanh nghiệp dệt may gia dụng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

So với các doanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán, biên lợi nhuận gộp của Gilimex trong năm 2020 đạt 18,4%, thấp hơn MSH (19,69%), nhưng cao hơn TCM (17,86%), GMC (13,72%), TNG (15,09%), VGG (9,42%)…

Bên cạnh mảng sản xuất hàng may gia dụng xuất khẩu cho các đối tác, trong những năm qua, Gilimex thực hiện khá nhiều hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong năm 2020, Công ty thâu tóm một số doanh nghiệp, nâng số lượng công ty con từ 6 lên 11, bên cạnh đó là 2 công ty liên kết.

Ngoài một số công ty con hoạt động may gia dụng, Gilimex có Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh thiết bị chiếu sáng Thái Bình Dương sản xuất đèn trang trí xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Kho vận Gilimex làm mảng kho vận, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh kim khí Đại Tây Dương sản xuất sản phẩm kim loại, Công ty cổ phần Ichiban Star kinh doanh nhà hàng; trong lĩnh vực bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng BT, Công ty TNHH Lưu Công Hiệu, Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Khang, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex.

Trong các doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex được thành lập cuối năm 2019, thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài 4 tại Thừa Thiên - Huế.

Ngày 10/3/2021, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về việc quyết định chủ trương đầu tư với quy mô sử dụng đất 460,85 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 394,17 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ đối ứng 15% theo quy định.

Theo phương án thực hiện dự án tại Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối năm 2019, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Gilimex góp 51%; tại cuộc họp thường niên 2020, Hội đồng quản trị Gilimex cho phép góp vốn tối đa 95%.

Cuối tháng 4/2021, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép đầu tư dự án Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi trên diện tích 730 ha.

Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, trong năm qua, Gilimex đã chào bán 12 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Đợt phát hành thành công đã giúp Công ty thu về 180 tỷ đồng và được sử dụng để trả bớt nợ vay.

Gilimex dự kiến ngân sách đầu tư năm nay ở mức 3.500 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh và 2.000 tỷ đồng vay ngân hàng tài trợ vốn hoạt động.

Theo tờ trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Công ty dự kiến dành ngân sách đầu tư năm nay ở mức 3.500 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh và 2.000 tỷ đồng vay ngân hàng tài trợ vốn hoạt động.

Về kế hoạch cụ thể, đối với ngành hàng hàng may gia dụng, Gilimex dự kiến nâng số chuyền sản xuất lên 161 trong năm 2021, gấp đôi so với cuối năm 2020.

Đối với lĩnh vực bất động sản, Công ty dự kiến xin giấy phép xây dựng khách sạn tại Bình Dương, phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạn phục vụ cho các khu công nghiệp trong nước tại các khu vực trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, TP.HCM…, bên cạnh việc đầu tư cho Khu công nghiệp Phú Bài 4.

Quy mô ngân sách đầu tư năm 2021 của Gilimex chiếm 26,8% quy mô tài sản tính đến cuối quý I/2021 và gấp 2,5 lần quy mô vốn chủ sở hữu, cho thấy tham vọng lớn của Ban lãnh đạo Công ty trong việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trước mắt là mảng khu công nghiệp.

Gilimex có tổng nợ phải trả 1.401,1 tỷ đồng, chiếm 51,1% tổng nguồn vốn, trong đó có 788,9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, chiếm 56,3% tổng nợ và chiếm 28,6% tổng nguồn vốn.

Toàn bộ dư nợ vay của Gilimex được thực hiện bằng USD, do đó, lãi suất vay bình quân khá thấp, phần rủi ro tỷ giá được bù đắp đáng kể do đặc thù doanh nghiệp xuất khẩu, phần doanh thu tài chính (chủ yếu từ lãi tỷ giá) bù đắp đáng kể cho chi phí tỷ giá phải gánh chịu, thậm chí năm 2020 còn tạo ra lợi nhuận thặng dư cho hoạt động tài chính.

Cấu trúc nguồn vốn của Gilimex hiện tại chưa có dấu hiệu rủi ro, việc vay nợ ngắn hạn tăng theo quy mô sản xuất những năm qua chưa đem đến gánh nặng chi phí tài chính.

Tuy vậy, nếu Công ty gia tăng nợ vay để tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tỷ trọng nợ vay sẽ tăng cao, tương ứng là gia tăng chi phí lãi vay, cũng như khả năng thanh toán nợ vay, trong khi các lĩnh vực mới cần có thời gian để đem lại hiệu quả.

Cũng cần lưu ý thêm, lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt đáng kể với hoạt động kinh doanh chính hiện hữu của Gilimex.

Trong ngắn hạn, triển vọng của lĩnh vực bất động sản nói chung và bất động sản khu công nghiệp nói riêng được đánh giá tích cực, nhưng đây là lĩnh vực kinh doanh có tính chu kỳ cao với thời gian triển khai dự án kéo dài, có thể gặp rủi ro nếu thị trường có diễn biến kém thuận lợi.

Cổ đông nhỏ lẻ bị “phục kích”

Từ mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu, trong chưa đầy một tuần giao dịch, cổ phiếu GIL của Gilimex đã rớt xuống vùng 5x.

Nhiều cổ đông của GIL bất ngờ khi cổ phiếu giảm mạnh, trong khi tin tức về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có gì quá xấu, thậm chí trước thềm Đại hội đồng cổ đông, tin tốt còn liên tục được mổ xẻ trong các nhóm đầu tư.

Trước khi tài liệu Đại hội đồng cổ đông của GIL được công bố, một số nguồn tin cho rằng, đợt xuống giá mạnh này bắt nguồn từ việc Công ty sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá 35.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 50% so với trung bình giá 10 phiên gần nhất.

Khi tài liệu họp đại hội chính thức được công bố, xác nhận thông tin trên, giá cổ phiếu GIL giảm mạnh và phiên sáng 21/5/2021, đúng ngày tổ chức đại hội đã rớt xuống vùng 5x.

Nhiều nhà đầu tư dự đoán, cổ phiếu này sẽ tiếp tục giảm giá, bởi mức giá phát hành riêng lẻ cho cổ đông quá "hời".

Trước khi đại hội khai mạc, nhiều cổ đông bức xúc vì đại hội tổ chức tận Vũng Tàu nên cổ đông nhỏ lẻ khó tham dự. Hơn nữa, tài liệu đại hội công bố kèm thông báo mời họp có nội dung khác biệt so với nội dung đưa ra tại đại hội.

Những nội dung quan trọng của đại hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của tất cả cổ đông chỉ được công bố trước khi đại hội diễn ra một ngày, vì thế cổ đông khó tập hợp và liên kết được với nhau để có tiếng nói tại đại hội.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục