Tại hội nghị tổng giám đốc các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lần thứ 16 diễn ra vào tháng trước, một trong những vấn đề được các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đặc biệt quan tâm là thời gian hoạt động của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài.
Giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài chia sẻ với ĐTCK rằng, thời hạn đăng ký hoạt động chỉ là 50 năm tại Việt Nam đang gây ra những “lo ngại” nhất định. Có một vài sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có thời hạn dài tới 99 năm mà thời gian tồn tại của công ty chỉ là 50 năm.
“Nghĩa là cam kết bảo hiểm cho khách hàng 99 năm mà chỉ đăng ký hoạt động 50 năm thì khách hàng sẽ nghĩ sao?”, ông này đặt câu hỏi.
Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trọn đời (whole life insurance) là những sản phẩm truyền thống của các công ty bảo hiểm nhân thọ thường có thời hạn lên tới 99 năm.
Vấn đề ở đây là nếu như giấy phép kinh doanh của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài chỉ là 50 năm thì việc cung cấp sản phẩm với sự cam kết dài tới 99 năm có vẻ như không “hợp pháp” lắm. Trên thực tế, khi đăng ký hoạt động như một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì thời hạn hoạt động chỉ là 50 năm.
Trong khi đó, việc phê duyệt triển khai các sản phẩm bảo hiểm lại do Bộ Tài chính đảm nhiệm và các sản phẩm bảo hiểm có thời hạn lên tới 99 năm là rất bình thường nếu xét tới đặc thù ngành bảo hiểm.
Phải nhắc lại rằng, vấn đề bất cập này không phải là mới khi đã được nói đến từ 2 năm qua, nhưng các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa thể tìm được “tiếng nói chung” cho vấn đề này. Một lần nữa, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kiến nghị Bộ Tài chính cần phải hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký lại thời gian hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ để phù hợp với thời gian bảo hiểm của một số sản phẩm mà Bộ Tài chính đã phê chuẩn.
Như vậy, giải pháp ở đây, như ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề xuất, nên sửa lại thời gian hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài là không có thời hạn hoặc có quy định cụ thể về các thủ tục gia hạn thời gian hoạt động.
“Có thể xem đây như một trường hợp cá biệt dành riêng cho các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài với tính đặc thù của sản phẩm”, ông Lộc cho biết.
Về bản chất, khi thời gian hoạt động 50 năm kết thúc, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có thể xin gia hạn. Nhưng, như ông Lộc phân tích, thì trước tiên, đây là việc chưa có tiền lệ. Giả sử vì một lý do nào đó (dù xác suất xảy ra là rất nhỏ), doanh nghiệp bảo hiểm không được gia hạn hoạt động thì các khách hàng được bảo hiểm vẫn còn thời hạn hợp đồng sẽ ra sao? Do vậy đây vẫn là một vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam.
“Là một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi quan tâm đặc biệt tới hệ thống pháp luật. Trong trường hợp này, rõ ràng là không ổn khi có sự mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật”, vị giám đốc doanh nghiệp trên đây cho biết.
Để có được một thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, cần phải có một hệ thống pháp luật chuẩn mực. Trong bản báo cáo về thị trường bảo hiểm Việt Nam quý II/2009 của Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), môi trường kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam xếp vị trí 12/15 thị trường tại châu Á mà BMI tiến hành nghiên cứu. Riêng đánh giá về hệ thống pháp luật (regulatory framework), thị trường Việt Nam đạt 55/100 điểm, vẫn còn một khoảng cách khá xa ngay cả với một vài thị trường trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Phillipine hay Singapore.
Trong những năm vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bảo hiểm. Theo tìm hiểu của ĐTCK, Bộ Tài chính đã có kế hoạch giải quyết vấn đề đăng ký lại thời gian hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề có được giải quyết hay không, không chỉ phụ thuộc vào cơ quan này!