Theo đó, đối với những nhiệm vụ trọng tâm, UBND TP. Hà Nội xác định thành các kế hoạch, chương trình, đề án để xây dựng và triển khai thực hiện cụ thể như: Xây dựng đề án mở rộng, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch số lượng và phạm vi hoạt động xe taxi và các loại hình kinh doanh vận tải tương tự như taxi; Đề án điều chỉnh giờ học tập, giờ làm việc và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố; Đề án phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới; Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực Thành phố. Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Đề án giao thông thông minh...
Về đề án giao thông thông minh, tập trung vào những nội dung cụ thể: Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến, cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông.
Tiếp đó, lập kế hoạch điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn Thành phố (theo năm sản xuất) thông qua đăng ký, để đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Đồng thời, có phương án hỗ trợ, khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Sở Giao thông vận tải là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án.