Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện từ năm 2002, tức là sau 17 năm, KTNN mới thực hiện kiểm toán vấn đề này?
Năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2002/NĐ-CP về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Đây có thể coi là “khoán 10” trong lĩnh vực sự nghiệp công.
Từ đó đến nay, đã 2 lần Chính phủ ban hành nghị định về nội dung này là Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tựu trung, có 4 loại tự chủ là tự chủ 100% chi thường xuyên và chi đầu tư, tự chủ 100% chi thường xuyên, tự chủ một phần chi thường xuyên và cuối cùng là đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước cấp 100% kinh phí hoạt động.
Mặc dù chưa thực hiện kiểm toán chuyên đề về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng hàng năm, khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán ngân sách nhà nước; kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN vẫn lồng ghép nội dung này trong kiểm toán.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khám chữa bệnh chiếm phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2018, chúng tôi đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản tại Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo (2 cơ quan có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập nhất); kiểm toán công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ngành y tế giai đoạn 2015-2017 tại 10 tỉnh; kiểm toán công tác quản lý thu, chi hoạt động sự nghiệp, hoạt động mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị đào tạo, dạy nghề và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2015 - 2017 của các trường cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.
Ngoài ra, chúng tôi đã tập trung kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và 35 tỉnh khác.
Kết quả của các cuộc kiểm toán trên thế nào, thưa ông?
Thực hiện cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, qua một thời gian thực hiện đã thu được nhiều kết quả rất tích cực, khẳng định cơ chế này là đúng đắn, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp. Thu nhập của người lao động, viên chức được cải thiện, đặc biệt là chất lượng cung cấp dịch vụ công ngày càng được được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ví dụ, trong lĩnh vực y tế, thực hiện cơ chế tự chủ, theo báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố thì năm 2016 ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viện đã giảm hơn 448 tỷ đồng so với năm 2015; năm 2017 giảm hơn 5.246 tỷ đồng so với năm 2016 và năm 2018 giảm gần 3.195 tỷ đồng so với năm 2017.
Do được “cởi trói”, các bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chống quá tải, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị để rút ngắn thời gian điều trị, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ người bệnh… Tất nhiên, cơ chế giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Thế còn năm 2019 thì sao, thưa ông?
Chúng tôi sẽ kiểm toán chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2016 - 2018; kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viên công lập giai đoạn 2016 - 2018; kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (đơn vị quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế), Bệnh viện 198, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 199 và Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an); Bệnh viên Trung ương quân đội 108, Bệnh viện 175, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội, bên cạnh việc thực hiện kiểm toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính tại các bộ ngành, địa phương, trong đó lồng ghép nội dung quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Theo ông, hạn chế lớn nhất trong cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp hiện nay là gì?
Quan điểm về tự chủ hiện nay vẫn còn khác nhau. Có quan điểm cho rằng, thực hiện tự chủ chẳng khác gì Nhà nước đẩy khó khăn cho đơn vị sự nghiệp công lập, nên có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp từ ngân sách nhà nước nên không muốn tự chủ. Ngược lại, quan điểm khác lại cho rằng, khi đã tự chủ, đặc biệt là tự chủ hoàn toàn, thì đơn vị sự nghiệp cũng như doanh nghiệp nhà nước phải được toàn quyền quyết định về tài chính, tổ chức, bộ máy, biên chế, tuyển dụng, sa thải lao động.
Nói chung, còn không ít hạn chế, tồn tại trong việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập. Trước mắt, phải thống nhất quan điểm về tự chủ, từ đó đưa ra cơ chế, chính sách cụ thể quy định về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị tự chủ cả tổ chức, bộ máy, biên chế, tài chính…
Sau khi thực hiện kiểm toán chuyên đề về nội dung này tại các trường đại học công lập và các bệnh viên công lập giai đoạn 2016 - 2018, chúng tôi sẽ có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chuyển sang tự chủ và tiến tới tự chủ 100% cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư.