Giao dịch vốn, thoáng nhưng đừng hở

(ĐTCK) Một thông tin đáng chú ý tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 diễn ra trong ngày 1-2/6 là Chính phủ bàn thảo về Đề án lộ trình tự do hóa giao dịch vốn tại Việt Nam.
Giao dịch vốn, thoáng nhưng đừng hở

Thông tin chi tiết về đề án này đến nay chưa được công khai. Tuy nhiên, nguồn tin của ĐTCK cho hay, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án này và có tham khảo Đề án đầu tư vốn gián tiếp trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo giới chuyên gia, tự do hóa giao dịch vốn là quá trình dỡ bỏ dần các hạn chế áp dụng đối với những giao dịch này. Một khi các giao dịch vốn tại Việt Nam được điều chỉnh bởi hệ thống pháp lý thông thoáng hơn, thì sẽ góp phần thu hút các dòng vốn nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy vào TTCK Việt Nam mạnh hơn.

Theo phản ánh của giới đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào TTCK Việt Nam, họ vừa phải chịu điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chứng khoán, vừa phải tuân thủ các quy định trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong khi đó, giới đầu tư cho rằng, một số quy định trong lĩnh vực chứng khoán đã có những bước cải cách đáng ghi nhận, điển hình như đến nay đã cấp mã số giao dịch trực tuyến cho NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, không ít quy định trong lĩnh vực ngân hàng đang “làm khó” NĐT ngoại. Cụ thể như các thủ tục về mở tài khoản thanh toán, tài khoản góp vốn áp dụng đối với NĐT nước ngoài tại ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn chưa có những cải cách tương thích với mức độ cải cách trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này khiến cho các cải cách về cơ chế trong ngành chứng khoán khó phát huy hiệu quả trên thực tế trong cải thiện khả năng hút vốn ngoại của TTCK.

Từ thực tế trên, giới đầu tư đang chờ đợi, khi Đề án lộ trình tự do hóa giao dịch vốn được áp dụng, sẽ không chỉ gỡ bỏ những hạn chế hiện tại, mà quan trọng hơn là các tư tưởng cải cách mới trong thúc đẩy tự do hóa các giao dịch vốn sẽ đi vào thực thi. Điều này cùng với các cải cách về cơ chế trong lĩnh vực chứng khoán tiếp tục được thúc đẩy, sẽ tạo ra môi trường đồng bộ, tương thích trong cải thiện khả năng huy động vốn ngoại cho thị trường vốn.

Vốn đầu tư gián tiếp (FII) được nhìn nhận là “dòng vốn nóng”, bởi động thái vào - ra của nó ở một thị trường cụ thể có tính linh hoạt cao, nhất là dòng vốn chảy ra nhanh khi kinh tế trong và ngoài nước có những biến động lớn. Bài học mà Thái Lan, cùng nhiều quốc gia khác phải đối mặt cách đây 10 năm khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á, khiến NĐT ngoại rút vốn ồ ạt vẫn còn giá trị.

Nói như vậy để thấy cùng với nỗ lực “thông thoáng” hoạt động giao dịch vốn, qua đó góp phần gia tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của thị trường vốn Việt Nam, cần có hệ thống giải pháp đi kèm đủ hiệu quả và linh hoạt, với nhiều lớp bảo vệ rủi ro để “giảm sốc” cho nền kinh tế, cũng như thị trường khi dòng vốn ngoại đảo chiều. Sẽ là rủi ro đáng quan ngại nếu độ mở của TTCK, cũng như hoạt động giao dịch vốn gia tăng, nhưng các giải pháp ứng phó khi dòng vốn ngoại đảo chiều thiếu độ sâu và chắc chắn nhằm đảm bảo hóa giải hiệu quả các rủi ro, giảm thiểu tác động không mong muốn khi dòng vốn ngoại rút ra khỏi Việt Nam.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục