Hạn chế tối đa rủi ro rửa tiền
Tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, đến giữa tháng 4/2018, NHNN đã nhận được 239 báo cáo giao dịch đáng ngờ, chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan có thẩm quyền 41 vụ việc liên quan đến 110 báo cáo.
Nhận 51 văn bản và đã xử lý 46/51 văn bản từ các cơ quan có thẩm quyền đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan tới bị can, bị cáo hoặc đối tượng trong các vụ án. Thống đốc cũng cho biết đã cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm, hạn chế các trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp qua các trung gian.
Theo đó, NHNN đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng chống rửa tiền, trong đó đặc biệt là Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và các văn bản dưới luật. Đặc biệt, Thông tư 13/2014/TT-NHNN đã hướng dẫn đầy đủ và cụ thể các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng như giúp các tổ chức hạn chế tối đa những rủi ro rửa tiền có thể xảy ra.
Cụ thể, nhằm đánh giá tăng cường đối với khách hàng cá nhân có rủi ro cao, có quy định yêu cầu các tổ chức tài chính thu thập bổ sung thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng ít nhất 3 tháng gần nhất của khách hàng và đối tượng báo cáo của các tổ chức này phải cập nhật thông tin khách hàng định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, đã quy định một cách cụ thể về mức giá trị của các giao dịch phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền, tạo điều kiện giúp các tổ chức tài chính dễ dàng thực hiện.
Theo đó, các tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế phải báo cáo từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có giá trị từ 1 triệu USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương…
Vẫn còn những trăn trở
Theo Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), Điều 33, Luật Phòng chống rửa tiền về trì hoãn giao dịch quy định: “Đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng, giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội và phải báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Trong khi đó, Điều 8, Nghị định 122/2013/NĐ-CP về phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được phát hiện thông qua hoạt động tài chính hoặc hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính quy định: “Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, làm rõ ngay khi có nghi ngờ giao dịch của khách hàng có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Trường hợp phát hiện tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì phải thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa toàn bộ tiền, tài sản đó; đồng thời, phải báo cáo ngay bằng văn bản, kèm theo các tài liệu có liên quan cho giám đốc công an cấp tỉnh để xem xét, quyết định”.
Theo BWG, việc đáp ứng các quy định nêu trên của pháp luật sẽ gây những khó khăn và ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Lý do bởi, thứ nhất, số lượng giao dịch chuyển tiền trong nước bằng tiền đồng giữa các ngân hàng/tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là rất lớn.
Tùy quy mô từng ngân hàng, số lượng giao dịch chuyển tiền trong nước bằng tiền đồng có thể từ vài nghìn đến vài trăm nghìn giao dịch/ngày.
Thứ hai, thông tin về các đối tượng nêu trong danh sách đen công bố bởi Bộ Công an còn hạn chế (ví dụ chỉ cung cấp năm sinh, không có ngày, tháng, chỉ cung cấp nơi đối tượng đang sinh sống, không có địa chỉ cụ thể đường phố…, đối với những tên tiếng Việt thì việc trùng tên rất dễ xảy ra), nên hệ thống rà soát sẽ đưa ra rất nhiều cảnh báo giả.
Điều này dẫn đến việc các giao dịch chuyển tiền bị chặn không được xử lý cho đến khi các giao dịch được xác minh và xác nhận là giao dịch không liên quan đến các đối tượng nằm trong danh sách đen.
Thứ ba, việc rà soát, sàng lọc để xác nhận giao dịch chuyển tiền không liên quan đến đối tượng nằm trong danh sách đen khiến các ngân hàng/tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không đảm bảo tuân thủ quy định tại điều 8 Thông tư 46/2014/TT-NHNN về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với yêu cầu hạch toán vào tài khoản thanh toán của bên trả tiền/bên thụ hưởng trong vòng 1 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận ủy nhiệm chi/lệnh chuyển tiền.
Thứ tư, việc triển khai các bước sàng lọc xác minh sẽ ngay lập tức hạn chế các dịch vụ ngân hàng cung cấp dịch vụ trực tuyến STP.
Thứ năm, mỗi giao dịch chuyển tiền được xử lý ít nhất bởi 2 tổ chức tín dụng (ngân hàng chuyển tiền và ngân hàng nhận tiền), và trong đa số trường hợp, giao dịch sẽ được chuyển qua/xử lý bởi NHNN (qua hệ thống Citad).
Nếu mỗi ngân hàng/tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (kể cả NHNN) đều tiến hành sàng lọc và xác minh cảnh báo giả trước khi chuyển tiền thì thời lượng để xử lý một giao dịch trong ngân hàng sẽ bị kéo dài (nhân 2 hoặc nhân 3) và sẽ tiêu tốn nguồn lực không nhỏ trong xã hội.
Việc sàng lọc bí danh trong danh sách đen
Theo đó, nhóm BWG cho rằng, yêu cầu sàng lọc chỉ nên được áp dụng đối với tên đầy đủ (họ và tên) của các cá nhân trong danh sách đen và không áp dụng đối với bí danh, nhất là những bí danh có quá ít ký tự hoặc những bí danh bao gồm những ký tự số của các đối tượng này.
Các bí danh này chỉ được dùng để cung cấp thêm thông tin trong trường hợp rà soát, sàng lọc mà thôi. Đây cũng là thông lệ quốc tế được áp dụng tại các quốc gia phát triển như ở Mỹ.
Luật pháp Mỹ cũng không yêu cầu cụ thể liên quan đến việc rà soát bí danh (weak alias), mà các tổ chức tín dụng tự chủ động thực hiện rà soát bí danh cụ thể thế nào, đến mức nào phù hợp với khẩu vị rủi ro, quy mô của ngân hàng mình.
Để đảm bảo quy định của NHNN phù hợp với thực tiễn thanh toán của ngành ngân hàng tại thời điểm hiện tại và đảm bảo tính khả thi triển khai tuân thủ trong ngành ngân hàng, nhóm BWG kiến nghị NHNN cho phép các ngân hàng/tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chỉ thực hiện rà soát các giao dịch chuyển tiền trong nước bằng tiền đồng dưới hình thức nộp tiền mặt qua quầy, vì đối với hình thức chuyển khoản qua tài khoản thì cả người hưởng và người chuyển tiền đã được rà soát bởi ngân hàng mở tài khoản.
NHNN có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong việc xử lý cảnh báo giả hoặc cho phép các ngân hàng được chủ động đưa ra các ngưỡng sàng lọc/logic sàng lọc phù hợp với khẩu vị rủi ro, quy mô và tính chất hoạt động của từng ngân hàng.
“Kính đề nghị Cục Phòng chống rửa tiền, NHNN xem xét, xác nhận cách hiểu trên của BWG là đúng hoặc đưa ra hướng dẫn cụ thể, cho phép các ngân hàng tự chủ động thực hiện quyết định rà soát bí danh tùy theo quy mô, tính chất hoạt động của mỗi ngân hàng”, nhóm BWG kiến nghị.