Thị phần quý II thuộc về các “ông lớn”
Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa công bố Top 10 các CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên hai sàn. Theo đó, tại sàn HNX, 2 công ty chứng khoán là SSI và VNDS vẫn dẫn đầu, thị phần thay đổi nhẹ so vớ quý trước. Tại sàn này, điểm đáng chú ý là CTCK SHS bứt phá, tăng 2,03% thị phần, còn KIS đuối sức nên tụt hạng từ vị trí thứ 3 xuống thứ 7, thị phần giảm 2,41%.
Trên sàn HOSE (sàn chiếm tỷ trọng giao dịch cổ phiếu lớn hơn nhiều), vị trí 6 CTCK dẫn đầu trong quý II không mấy thay đổi, nhưng đáng chú ý về con số thị phần của Top 3. Cụ thể, Công ty Chứng khoán HSC và Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có sự sụt giảm thị phần so với quý I, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó thị phần của HSC là 11,95%, còn VCSC là 8,29%.
Trái lại, CTCK Sài Gòn (SSI) đã lập đỉnh mới về thị phần trong quý II/2016, lên mức 14,21%, trong khi quý II/2015, thị phần của SSI là 13,52% và quý I/2016 là 13,96%. Một số công ty chứng khoán khác cũng có sự cải thiện về thị phần như CTCK VNDS, quý I/2016 đạt 5,41%, nhưng quý II lên mức 5,85%. CTCK ACBS cũng vượt lên chính mình khi quý I/2016 đạt 4,31% và quý II/2016 là 4,94%... Tựu chung lại, thị phần tổng cộng của 5 công ty chứng khoán lớn nhất trong quý II giảm nhẹ so với quý I, nhưng vẫn chiếm đến 45,41% tổng thị phần, so với mức 44,19% trong quý II/2015.
Theo báo cáo của HOSE, quý I/2016, giá trị vốn hóa thị trường đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch thị trường đạt 130.059 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn 7% so với quý IV/2015. Bình quân một ngày, tại sàn HOSE có 2.204 tỷ đồng được chuyển nhượng, cao hơn quý liền kề 83 tỷ đồng/ngày.
Trên thị trường như vậy kết quả kinh doanh trong quý I, nhiều CTCK đã đạt hiệu quả khả quan như HSC đạt lợi nhuận sau thuế 64,7 tỷ đồng, tăng mạnh gần 40% so với quý I/2015. SSI công bố lãi hợp nhất 141 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; VCSC lãi hơn 64,3 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái…
Thị trường khởi sắc nhờ market maker?
TTCK có sự khởi sắc rõ rệt trong quý II so với quý I, theo đó, NĐT tiếp tục kỳ vọng về mức lãi khả quan trong quý này. Về diễn biến chỉ số, tại thời điểm 30/6, VN-Index đạt 632,26 điểm, tăng gần 12,7% so với cuối quý I. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 7,17 điểm, lên mức 85,15 điểm. Tổng vốn hóa trên cả hai sàn đạt hơn 1.427.762,7 tỷ đồng, tăng 12% so với quý đầu năm 2016, trong đó, vốn hóa trên HOSE đạt 1,27 triệu tỷ đồng, trên HNX là hơn 156.000 tỷ đồng.
Xét về thanh khoản, tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn đạt hơn 179,86 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 14%, khối lượng giao dịch hơn 10,8 tỷ cổ phiếu, tăng nhẹ 2% so với quý I năm 2016. Riêng trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch giảm nhẹ, đạt hơn 7,9 tỷ cổ phiếu nhưng giá trị giao dịch tăng mạnh 147 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng 13%. Trên sàn HNX, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 3 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 37,347 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 32% so với quý I/2016.
Đánh giá về diễn biến thị trường, lãnh đạo một số CTCK cho hay, tại thời điểm đầu năm, quan điểm các CTCK có vẻ thận trọng, nhưng đến thời điểm hiện tại, thị trường đang có diễn biến tốt hơn so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính không đến từ các yếu tố cơ bản, mà chủ yếu đến từ các nhà tạo lập thị trường (market maker). Trên thực tế, thị trường đã có nhịp tăng trên 580 điểm, thời điểm này chủ yếu là nhờ giá dầu tăng, nhưng sau đó, nghiên cứu kỹ sẽ nhận ra, dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu cơ bản và được hỗ trợ thêm một số thông tin tích cực khác như cổ tức, thoái vốn… Khi nền tảng thị trường được tạo ra thì các market maker đã nhập cuộc khá mạnh, góp phần giúp thị trường duy trì được đà tăng tích cực.
CTCK sẽ đạt kết quả khả quan hơn
Với sự gia tăng về giá trị giao dịch, doanh thu từ hoạt động môi giới của các CTCK quý II được đánh giá rất khả quan. Ước tính sơ bộ trên HOSE (thị phần Top 10 chiếm tới 66,73%) với giá trị giao dịch quý II đạt hơn 142,5 nghìn tỷ đồng, nếu tính phí môi giới trung bình 0,3%, tổng phí giao dịch của các CTCK nhận được là 855 tỷ đồng. Con số này mang tính tương đối, không phản ánh chính xác thu nhập từ hoạt động môi giới của CTCK, bởi phí giao dịch tại mỗi CTCK với từng đối tượng khách hàng là khác nhau.
Bên cạnh hoạt động môi giới, hoạt động hỗ trợ nguồn vốn giao dịch cho vay ký quỹ (margin) cũng là nguồn thu chính của CTCK. Theo nhiều thống kê, lượng tiền margin trên thị trường tính đến cuối quý II đã tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái và con số này (chưa thống kê được chính xác) tiếp tục tăng mạnh hơn so với quý I.
Lãnh đạo một số CTCK chia sẻ, đối tượng sử dụng margin trên thị trường chia làm 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất gồm các đội giao dịch cổ phiếu khối lượng lớn (thường đội này là đẩy giá cổ phiếu lên cao); nhóm hai là nhóm thực hiện các giao dịch lớn trong các thương vụ thoái vốn cổ phần, đặc biệt là các thương vụ thoái vốn của SCIC và nhóm thứ ba là các nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, hai nhóm đầu chiếm tỷ trọng sử dụng margin rất lớn và các CTCK cũng có những chính sách chăm sóc đặc biệt với nhóm khách hàng này. Trong những đợt thị trường suy giảm, hai nhóm này vẫn thường sử dụng tiền margin để giữ một số mã vững giá hoặc tăng giá bất chấp đà giảm của thị trường chung. Với nhà đầu tư cá nhân, việc sử dụng margin khá phập phù và nhìn chung lượng vay không lớn.
Giao dịch sôi động, lượng cấp margin trên thị trường tăng và dự báo còn tăng là cơ sở để nhiều nhà đầu tư, đầu cơ tiếp tục kỳ vọng, doanh thu từ hoạt động này của các CTCK tiếp tục được cải thiện.
Soi danh mục tự doanh của CTCK lớn
Đối với hoạt động tự doanh, soi danh mục tính đến cuối quý I của Top 5 thị phần CTCK cho thấy, nhiều CTCK sẽ ghi nhận được lợi nhuận nhờ giá cổ phiếu tăng. Chẳng hạn SSI đang sở hữu cổ phiếu DBC, PVS, HPG, GAS, VNS, HTI…, trong đó, DBC đang có mức tăng 9.600 đồng/CP, tương ứng mức tăng 34,16% trong quý II; PVS tăng 2.800 đồng/CP, tương ứng mức tăng hơn 18%; HPG tăng mạnh 10.600 đồng/CP, tăng 36,55%; GAS tăng khủng 21.000 đồng/CP, tương ứng tăng 50,6%; VNS cũng tăng tốt 17,6%...
Tại HSC, danh mục cổ phiếu niêm yết gồm VTB, CII, HPG, TCM, trong đó VTB tăng 19,66%; CII tăng 9,13%... CTCK VNDS cũng sở hữu danh mục khá nhiều cổ phiếu, chẳng hạn APC, CII, CTI, DRC, FPT, GEX, PVS, VCB, VIC, VNM…, trong đó những cổ phiếu bluechips như VIC tăng 6.900 đồng/CP, tương ứng tăng 16,24%; VCB tăng 6.400 đồng/CP, tương ứng 15,65%; VNM tăng 8.900 đồng/CP… Cần lưu ý, mức tăng giá được tính trên giá điều chỉnh, tức trong kỳ, một số cổ phiếu trong danh mục các công ty chứng khoán đã chốt quyền nhận cổ tức.
Danh mục trên chưa thể tính toán chính xác hiệu quả tự doanh của CTCK bởi lẽ đến thời điểm này, NĐT chưa biết các CTCK đã chốt lãi hay vẫn còn nắm giữ cổ phiếu đang có đà tăng tốt, nhưng tăng trưởng so với quý I cũng đủ để khiến cổ đông CTCK lớn có hy vọng và chờ đợi kết quả quý II sẽ tích cực.