Dù có các phiên điều chỉnh, rung lắc, nhưng xu hướng tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 4 tháng qua vẫn được duy trì. VN-Index liên tiếp phá các đỉnh cao của năm 2020 và chưa biết đâu là đỉnh cuối của đợt tăng dài này, dù thị trường đối mặt với những thông tin không mấy tích cực như diễn biến phức tạp của Covid-19 và lỗi hệ thống giao dịch của HOSE.
Kể từ phiên 17/12 tới nay, thanh khoản thị trường tăng vọt thường trên 14.000 tỷ đồng, đi cùng với đó là hệ thống giao dịch của HOSE bị lỗi.
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, các phiên giao dịch trong chiều khi thanh khoản thị trường tiến tới ngưỡng 14.000 tỷ đồng nhập lệnh rất khó khăn. Theo dõi diễn biến thị trường cũng cho thấy, ở các phiên này, trong phiên giao dịch chiều thường từ khoảng 14h gần như đứng yên, đặc biệt trong đợt ATC lượng khớp rất ít và dường như VN-Index cũng chốt điểm luôn ở tầm khoảng 14h.
Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, dù nhận thông tin không mấy tích cực về diễn biến của dịch Covid-19 khi 3/5 trường hợp nhập cảnh trái phép dương tính với Covid-19 và các trường hợp này có hành trình di chuyển rất phức tạp, nhưng nhà đầu tư hiện nay rất vững tâm.
Nhiều nhà đầu tư không thể vào lệnh trong phiên chiều qua đã tranh thủ giao dịch ngay trong phiên sáng nay, giúp thị trường diễn ra sôi động, sắc xanh chiếm thế áp đảo và VN-Index nhảy xa qua mốc 1.100 điểm.
Thị trường sau đó rung lắc nhẹ do lực bán gia tăng của nhà đầu tư để đảo hàng, hoặc hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, với sức mạnh của dòng tiền, VN-Index vẫn giữ sắc xanh trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Chốt phiên, VN-Index tăng 5,04 điểm (+0,46%), lên 1.104,53 điểm với 254 mã tăng và 183 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 440,8 triệu đơn vị, giá trị 8.624,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% về khối lượng, nhưng giảm hơn 6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 30 triệu đơn vị, giá trị 726,6 tỷ đồng.
Trong các mã trên sàn HOSE, STB là mã có giao dịch sôi động nhất khi có tới gần 30 triệu đơn vị được khớp lệnh trong phiên sáng, vượt xa mã thứ 2 là TCB (hơn 13 triệu đơn vị). Đóng cửa, cả 2 mã ngân hàng này đều tăng giá với mức tăng lần lượt là 1,8% lên 17.000 đồng và 1,85% lên 30.300 đồng.
Tiếp theo về thanh khoản với hơn 12 triệu đơn vị được khớp là 2 mã nhỏ ROS và HQC. Chốt phiên sáng cả 2 mã này cũng tăng lần lượt 2,47% lên 2.490 đồng và 1,06% lên 1.910 đồng.
Trong các mã lớn có sự phân hóa với số mã tăng, giảm khá cân bằng, nhưng biên độ tăng lớn hơn biên độ giảm. Trong các mã tăng, ngoại trừ STB và TCB có VCB tăng 0,2% lên 99.400 đồng, VIC tăng mạnh nhất với 2,16% lên 108.800 đồng, VHM tăng 1,11% lên 109.400 đồng, CTG tăng 1,46% lên 34.650 đồng, VPB tăng 1,89% lên 32.300 đồng...
Ở chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là GVR nhưng cũng chỉ mất 1,19% xuống 29.150 đồng. Giảm hơn 1% chỉ có thêm HPG (-1,08%, xuống 41.150 đồng), BHV (-1,04%, xuống 66.300 đồng).
Ngoài các mã trên, TCH sáng nay cũng có giao dịch rất tích cực với mức tăng 1,24% lên 20.400 đồng, khớp hơn 4,7 triệu đơn vị. Phiên hôm qua là phiên giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức 5% bằng tiền mặt của TCH.
Thông tin tích cực liên quan đến TCH là doanh số bán xe đầu kéo tháng 12 tăng vọt lên 190 xe, bằng 2 tháng trước cộng lại, dù chưa hết tháng.
Trong khi đó, trên sàn HNX, chỉ số chính của sàn này chỉ chớm xanh lúc đầu phiên sau đó chìm trong sắc đỏ. Khi bắt đầu bước vào nửa cuối phiên sáng, lực cầu tốt giúp chỉ số trở lại tham chiếu, nhưng nhanh chóng rơi thẳng đứng trước áp lực bán diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm tới 5 điểm (-2,54%), xuống 192,1 điểm với 90 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,2 triệu đơn vị, giá trị 747 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1,5 triệu đơn vị, giá trị 49 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn này, chỉ có VCS và PVI tăng nhẹ 0,23% và 0,32%, cùng PHP đứng giá tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, THD thậm chí còn giảm sàn xuống 94.500 đồng. Giảm mạnh thứ 2 trong nhóm là DTK giảm 6,06% xuống 15.500 đồng, tiếp đến là SHS giảm 2,52% xuống 23.200 đồng.
Trong khi đó, PVS là mã có thanh khoản nhất nhóm với hơn 6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,56% xuống 17.700 đồng.
Có thanh khoản tốt nhất sàn là HUT với 6,8 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 4.600 đồng. Tiếp đến là KLF khớp 6,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,76% lên 2.200 đồng.
Dù HNX-Index chịu áp lực từ các mã lớn, nhưng trên HNX có nhiều mã nhỏ tăng trần sáng nay như TIG, MBG, VIG, ACM, MPT, BII, C69, IDJ, PVL, ITQ, FID…
Trên thị trường UPCoM, sau nửa phiên đầu giao dịch trong sắc xanh, áp lực bán mạnh nửa cuối phiên đã khiến chỉ số chính của sàn này quay đầu giảm điểm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,47%), xuống 73,48 điểm với 127 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,6 triệu đơn vị, giá trị 393 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới nửa triệu đơn vị, giá trị gần 14 tỷ đồng.
AAS, C4G, BSR và KSH là 4 mã khớp mạnh nhất, trên dưới 3 triệu đơn vị. Trong đó, KSH tăng trần lên 1.600 đồng, còn dư mua giá trần gần 1,7 triệu đơn vị. AAS và C4G tăng lần lượt 1,19% lên 8.500 đồng và 1,77% lên 11.500 đồng. Trong khi đó, BSR lại đóng cửa giảm 1,96% xuống 10.000 đồng.
Ngoài ra, có 2 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là ABB và SBS, trong đó ABB đóng cửa ở tham chiếu 13.700 đồng, còn SBS giảm 5,45% xuống 5.200 đồng.