Giao dịch repo trái phiếu sẽ nhanh và tiết kiệm hơn

(ĐTCK) Với khoảng 800.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đang nắm giữ, các ngân hàng thương mại ngày càng có nhu cầu lớn trong giao dịch mua - bán lại (repo) trái phiếu, nhưng giao dịch này tốn thời gian lẫn chi phí. Hiện hợp đồng khung giao dịch repo đang được các thành viên thị trường nỗ lực triển khai, hướng tới áp dụng cho cả repo cổ phiếu.
Các ngân hàng thương mại là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu Chính phủ và có nhu cầu lớn trong giao dịch mua - bán lại trái phiếu

Giao dịch repo vượt outright

Để phát triển thị trường trái phiếu về chiều sâu, chuyên nghiệp như thông lệ và chuẩn mực quốc tế, theo góc nhìn của ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), vai trò của giao dịch repo rất quan trọng. Đáng mừng là xu hướng giao dịch trên thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ những năm gần đây cho thấy, giao dịch repo ngày
càng tăng.

Cụ thể, nếu như trước năm 2015, giao dịch repo luôn lép vế khi chiếm tỷ trọng nhỏ so với giao dịch mua đứt - bán đoạn (outright) thì năm 2016, giao dịch repo đã vươn lên chiếm tới 40% tổng giá trị giao dịch.

Năm 2017, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với mức tăng mạnh tới 74,1% so với năm 2016, giao dịch repo đã chiếm 48,5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Năm nay, xu hướng giao dịch repo tăng tiếp tục. Theo cập nhật của HNX, trong tháng 2/2018, tổng khối lượng giao dịch outright đạt hơn 645 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch trên 73.900 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng khối lượng giao dịch repo đạt hơn 806 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch trên 83.800 tỷ đồng.

Về việc giao dịch repo có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, ông Quỳnh lý giải, với số dư trái trái phiếu Chính phủ mà các ngân hàng thương mại đang nắm giữ hiện trị giá trên 800.000 tỷ đồng, thì nhu cầu thực hiện giao dịch repo ngày càng lớn, nhằm kinh doanh có hiệu quả khối tài sản lớn này.

Hơn nữa, nhu cầu dự trữ thanh khoản qua nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng cao, nên danh mục trái phiếu Chính phủ có giá trị lớn mà họ đang nắm giữ không chỉ được duy trì mà có khả năng còn tăng, tiếp tục góp phần gia tăng doanh số giao dịch repo trong thời gian tới.

Năm 2017, giá trị giao dịch thứ cấp trên thị trường trái phiếu Chính phủ bình quân đạt 9.000 - 10.000 tỷ đồng/phiên, trong đó giao dịch repo chiếm khoảng một nửa. Xu hướng giao dịch repo được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Đây cũng là xu hướng vận động trên thị trường trái phiếu quốc tế.

Cấp thiết phải có hợp đồng khung

Tính thanh khoản của giao dịch repo, theo HNX, là thước đo sự phát triển, độ sâu của thị trường trái phiếu. Tại các quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển, giao dịch outright thường chỉ chiếm từ 20 - 40% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, còn giao dịch repo chiếm từ 60 - 80% tổng giá trị giao dịch trên thị trường, đặc biệt tại Mỹ, giá trị giao dịch repo chiếm tới 80 - 90%.

Tuy giao dịch repo trên thị trường trái phiếu Việt Nam đã và đang tăng nhanh, nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể so với nhiều thị trường trên thế giới. Để đưa giá trị giao dịch repo trên thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với các thị trường quốc tế, đồng thời tiếp sức cho giao dịch repo diễn ra sôi động hơn thông qua tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, một dự án được VBMA theo đuổi từ năm 2014 đến nay là xây dựng Hợp đồng khung giao dịch repo, với sự tư vấn, hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Sau 3 năm triển khai dự án, hội thảo lấy ý kiến lần cuối cho dự thảo Hợp đồng khung giao dịch repo vừa được VBMA tổ chức. Không chỉ các thành viên thị trường trái phiếu, mà các cơ quan quản lý cũng thể hiện sự đồng thuận với nỗ lực của VBMA trong việc sớm ban hành hợp đồng khung này để đưa vào triển khai.

Trong công văn góp ý cho dự thảo, Ngân hàng Nhà nước thể hiện cơ bản đồng tình với các nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, để văn bản này có tính khả thi cao, VBMA cần bám sát các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, cũng như phổ biến nội dung của dự thảo đến rộng rãi các thành viên thị trường để nắm bắt, thống nhất chuẩn bị triển khai.

Theo đại diện VBMA, qua trao đổi, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, một trong những trọng tâm trong điều hành phát triển thị trường trái phiếu năm nay của Bộ là thúc đẩy giao dịch thứ cấp, trong đó có giao dịch repo. Bộ Tài chính mong muốn VBMA khẩn trương thống nhất với các thành viên để ban hành và sớm đưa mẫu Hợp đồng khung giao dịch repo vào áp dụng.

Ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng, việc đưa Hợp đồng khung giao dịch repo vào thực hiện sẽ giúp cho các giao dịch repo tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu rủi ro, qua đó tiếp tục gia tăng giá trị cho giao dịch repo trên thị trường trái phiếu trong thời gian tới.

Hy vọng tháng 4 tới sẽ đưa Hợp đồng khung giao dịch repo vào áp dụng

 Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA
Việc chuẩn hóa các mẫu biểu hợp đồng giao dịch repo sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, qua đó góp phần nâng cao thanh khoản cho thị trường trái phiếu nói chung, giao dịch repo nói riêng. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của ADB, VBMA đã nỗ lực xây dựng dự thảo Hợp đồng khung giao dịch repo. ADB đã mời các chuyên gia hàng đầu về giao dịch repo để đào tạo cho các thành viên của VBMA, chia sẻ nhiều về nội dung của dự thảo hợp đồng từ năm 2016.

Sau 3 lần gửi dự thảo để lấy ý kiến thành viên thị trường, đây là bản dự thảo cuối, nên sau khi thống nhất ý kiến, VBMA sẽ ban hành. Hiện điều kiện thị trường đã chín muồi cho ban hành hợp đồng khung này, kỳ vọng trong tháng 4 tới sẽ chính thức có hợp đồng khung và đưa vào áp dụng. VBMA không có quyền ép các thành viên phải sử dụng mẫu hợp đồng khung, nhưng chúng tôi sẽ vận động các thanh viên áp dụng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế.

Hợp đồng khung tuy được thiết kế bám sát thực tiễn thị trường Việt Nam, đồng thời tiếp thu chọn lọc các thông lệ quốc tế, nhưng khó có thể đáp ứng tất cả mong đợi của các thành viên thị trường. Điều quan trọng là hợp đồng khung cần sớm được ban hành và đưa vào áp dụng, trên cơ sở tương tác thực tiễn, nếu phát sinh các vướng mắc, bất cập thì định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm sẽ được xem xét, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng mong muốn của các thành viên thị trường.

Hơn nữa, với tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu trong nước, cùng với sự biến động thường xuyên trên thị trường thế giới thì việc thường xuyên cập nhật, sửa đổi khung hợp đồng là cần thiết, nhằm dần định hình văn hóa chuẩn trong kinh doanh trái phiếu, tiếp cận gần hơn thông lệ và chuẩn mực quốc tế, từ đó gia tăng khả năng thu hút mạnh hơn nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Khi “sân chơi” trên thị trường được mở rộng, với nhiều thành viên tham gia hơn, sẽ gia tăng các cơ hội kinh doanh mới cho nhà đầu tư.

Khung hợp đồng được thiết kế riêng cho Việt Nam

 Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng ban Pháp chế, VBMA
Khung hợp đồng giao dịch repo nguyên bản trên thị trường quốc tế được xây dựng theo luật Anh quốc rất phức tạp. Do đó, khi bắt tay xây dựng dự thảo Hợp đồng khung, câu hỏi khó mà chúng tôi phải trả lời là xây dựng một bản dự thảo Hợp đồng khung riêng cho Việt Nam trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, đồng thời bám sát thực tiễn phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam, hay “dùng nguyên” mẫu hợp đồng của thế giới? Sau khi tham vấn chuyên gia có uy tín của quốc tế, chúng tôi quyết định xây dựng một bản Hợp đồng khung riêng cho Việt Nam, vì giao dịch repo thực hiện trên thị trường trái phiếu Việt Nam, chứ không giao dịch ở thị trường quốc tế.

Dự thảo Hợp đồng khung được xây dựng theo hướng rút gọn, đơn giản. Đối tượng sử dụng chủ yếu Hợp đồng khung là các ngân hàng, các công ty chứng khoán khi giao dịch repo trái phiếu (cả TPCP lẫn trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu niêm yết hay không niêm yết), về sau tiến tới giao dịch repo cổ phiếu khi điều kiện chín muồi.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục