Trả lời:
Tại Khoản 2, Điểm c, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2005 ghi nhận cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác. Tuy nhiên, Luật không quy định cụ thể hình thức chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần, mà để cho tổ chức phát hành tự quy định vấn đề này tại điều lệ hoặc tại quy trình quản lý nội bộ của mình.
Thông thường, khi chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần (hay còn gọi là quyền mua), cổ đông và người nhận chuyển nhượng sẽ gửi giấy đề nghị chuyển nhượng quyền mua đến tổ chức phát hành. Tổ chức phát hành có trách nhiệm ghi nhận việc chuyển nhượng quyền và sẽ phát hành giấy xác nhận quyền mua cho người nhận chuyển nhượng.
Tùy theo quy định của tổ chức phát hành mà quyền mua chỉ được chuyển nhượng một lần, tức người nhận chuyển nhượng không được bán quyền mua này cho người khác nữa. Nhưng cũng có một số tổ chức phát hành chấp nhận cho chuyển nhượng nhiều lần. Tuy nhiên, những người nhận chuyển nhượng sau sẽ gặp rủi ro về tính pháp lý của các loại giấy xác nhận quyền mua này, do việc ghi nhận quyền sở hữu quyền mua không được pháp luật quy định rõ ràng, hơn nữa các loại giấy tờ này rất dễ làm giả mà bản thân tổ chức phát hành không kiểm soát được.
Thị trường OTC có nhiều rủi ro pháp lý trong vấn đề giao dịch trao tay các loại giấy tờ chỉ mang tính chất xác nhận quyền mua cổ phiếu, hoặc chỉ là giấy thông báo đóng tiền mua cổ phiếu và các vấn đề khác nữa, nên cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng khi tham gia thị trường OTC và hướng tới tổ chức một thị trường giao dịch mới an toàn và đảm bảo tính thanh khoản hơn cho nhà đầu tư, đó là thị trường UPCoM.