Giao dịch ngoài hệ thống, sẽ dần minh bạch

(ĐTCK) Dù đã tồn tại từ lâu, với khối lượng giao dịch lớn, nhưng giao dịch ngoài hệ thống nằm ngoài yêu cầu phải công bố thông tin trên TTCK.
Giao dịch ngoài hệ thống, sẽ dần minh bạch

Chỉ từ 1/6/2012, khi Thông tư 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK có hiệu lực, thì loại giao dịch này mới bắt đầu… lộ sáng.

6 tháng, hơn 2.000 giao dịch ngoài hệ thống

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký (VSD), năm 2011 có hơn 4.000 trường hợp giao dịch ngoài hệ thống với trên 400 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010 về số lượt chuyển nhượng. Sáu tháng đầu năm nay, VSD đã thực hiện 2.148 giao dịch ngoài hệ thống và khối lượng chứng khoán chuyển nhượng đạt trên 131 triệu đơn vị.

Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng vụ Phát triển thị trường, UBCK, việc chuyển nhượng ngoài hệ thống bao gồm rất nhiều hình thức giao dịch như: giao dịch chuyển khoản chứng khoán của khách hàng (từ CTCK này sang CTCK khác); giao dịch cho, tặng cổ phiếu; giao dịch cổ phiếu lô lẻ; giao dịch ngoài biên độ đối với một số giao dịch đặc biệt; giao dịch bán vốn của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; giao dịch chào mua công khai…

Không công bố thông tin, không có thống kê chi tiết từ cơ quan quản lý, nên cơ cấu các loại hình giao dịch trong tổng số hơn 2.000 giao dịch ngoài hệ thống trong nửa đầu năm vẫn là con số bí mật. Trong đó, số lượng giao dịch ngoài hệ thống tăng mạnh chủ yếu đến từ việc chuyển khoản chứng khoán của NĐT. Năm 2011 và nửa đầu năm 2012, việc nhiều CTCK rút nghiệp vụ môi giới đã khiến khối lượng giao dịch chuyển khoản tăng mạnh. Những CTCK từng có giao dịch lớn một thời như CTCK SME, CTCK Đông Dương, khi rút nghiệp vụ môi giới đã khiến một lượng không nhỏ NĐT phải chuyển chứng khoán sang CTCK khác.

Nhưng những giao dịch chuyển khoản xuất phát từ việc chuyển tài khoản NĐT thường có khối lượng không lớn. Để có con số hơn 131 triệu cổ phiếu giao dịch ngoài hệ thống, những giao dịch chứng khoán đến từ các hoạt động thâu tóm đã đóng góp vai trò đáng kể, nhất là trong năm 2012.

 

Sẽ công khai giao dịch ngoài hệ thống

Trong số các giao dịch ngoài hệ thống, điều được thị trường quan tâm nhiều nhất chính là các giao dịch liên quan đến việc mua bán cổ phiếu ngoài biên độ có tính thâu tóm.

Từ năm 2011, trao lưu mua bán, sáp nhập đi kèm với tái cấu trúc DN đã bùng nổ và đây là lý do quan trọng khiến các giao dịch ngoài hệ thống tăng mạnh. Sang năm 2012, thị trường chứng kiến 2 thương vụ mua bán lớn là việc nhóm cổ đông tại Sacombank công bố đại diện sở hữu tới 51% vốn điều lệ của Ngân hàng và NĐT cá nhân Đỗ Văn Bình tăng sở hữu tới xấp xỉ 20% vốn điều lệ của Sudico. Ngoài 2 thương vụ đình đám này, tại không ít DN niêm yết khác, những cuộc đổi chủ dù kín đáo hơn vẫn xuất hiện. Trên thực tế, giao dịch ngoài sàn đã hỗ trợ đắc lực cho việc tăng khả năng thành công của những thương vụ ấy.

Giao dịch ngoài sàn, nhất là đối với các thương vụ mua bán mang tính thâu tóm có giá trị lớn có thể tránh gây tác động tiêu cực/hưng phấn thái quá cho thị trường. Nhưng việc giữ kín hoàn toàn thông tin về giao dịch dạng này đã khiến cả lãnh đạo DN và các NĐT khác trở nên bị động trong một cuộc chơi đề cao nguyên tắc minh bạch. Theo ông Nguyễn Sơn, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do theo quy chế cũ về công bố thông tin trên TTCK, VSD không thuộc đối tượng phải công bố thông tin.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK sẽ khắc phục được vấn đề này. Theo đó, thông tin về việc chuyển quyền sở hữu của cổ đông sáng lập đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng và các trường hợp chuyển nhượng đặc biệt mà UBCK có văn bản chấp thuận được thực hiện ngoài hệ thống giao dịch của Sở GDCK là một trong những nhóm thông tin thuộc nghĩa vụ công bố bắt buộc của VSD.

Uyên Phạm
Uyên Phạm

Tin cùng chuyên mục