Một báo cáo điều tra của EY từ năm 2015 cho biết, các ngân hàng Việt Nam ngày càng chú trọng vào việc phát triển và áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Các ngân hàng đều thực hiện triển khai dịch vụ Internet Banking từ 5 năm trước, ngân hàng điện tử đang trở thành tâm điểm phát triển của các ngân hàng và xu hướng này được dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Triển vọng phát triển mạnh mẽ của ngân hàng điện tử tại Việt Nam, theo EY, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Đó là định hướng của Chính phủ trong việc phát triển hệ thống thanh toán không sử dụng tiền mặt; các ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng và để tồn tại giữa cuộc chiến cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt và xu thế tiêu dùng của khách hàng ngày càng ưa thích dịch vụ ngân hàng điện tử…
Về phía ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank nhận định, chúng ta đang có những lợi thế tương đối tốt để đẩy mạnh khả năng liên thông thanh toán dịch vụ công và các dịch vụ thanh toán khác.
Thứ nhất, từ phía người dân - khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, theo số liệu của Hiệp hội thẻ Việt Nam, tới cuối năm 2015, đã có 99,5 triệu thẻ thanh toán được phát hành cho các khách hàng cá nhân trên toàn quốc.
Thứ hai, các ngân hàng và các tổ chức tài chính - những tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng công nghệ, giải pháp thanh toán của các ngân hàng, tổ chức trung gian tài chính hiện nay là tương đối mở, sẵn sàng kết nối với các đơn vị phục vụ hoạt động thanh toán.
Thứ ba, các cơ quan Nhà nước, cơ quan cung cấp dịch vụ công đang có những cuộc cách mạng lớn trong công nghệ, xóa bỏ dần các thao tác thủ công, giấy tờ, chuyển sang sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, nên việc kết nối với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ khác trở nên dễ dàng hơn.
Nhiều yếu tố thuận lợi là vậy, nhưng để đẩy mạnh giao dịch thanh toán điện tử lại không phải là câu chuyện dễ dàng.
Anh Tuấn, nhân viên kinh doanh một công ty con của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội kể, vừa qua, công ty anh làm sổ đỏ căn hộ cho cán bộ, nhân viên cùng một số khách hàng đối ngoại, chủ yếu anh vẫn thu tiền mặt của những khách hàng này rồi mang tiền ra chi nhánh ngân hàng được chỉ định để nộp thuế.
Việc thu tiền mặt từ các khách hàng như công ty anh Tuấn là câu chuyện rất phổ biến. Theo chia sẻ của nhân viên giao dịch tại một ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước, hàng ngày, nhiều cơ quan nhà nước vẫn mang cả bao tải tiền ra nộp vào tài khoản mở tại ngân hàng chị.
Trong vai khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch SCB trên đường Thái Hà (Hà Nội), người viết bài đã lân la hỏi chuyện một cụ ông về việc tại sao cụ không gửi tiết kiệm online để khỏi mất công tới ngân hàng, cụ cho biết: “Tôi cũng đã nghe và biết đến việc làm sổ tiết kiệm qua internet, nhưng tôi thấy việc này khá lằng nhằng. Quan trọng hơn là không cầm quyển sổ tiết kiệm trong tay, tôi không yên tâm. Trong năm qua, các phương tiện truyền thông đã đưa tin nhiều vụ việc khách hàng mất tiền trong tài khoản giao dịch trực tuyến”.
E ngại rủi ro lỗ hổng bảo mật, hay chưa tiếp cận được công nghệ thông tin của nhiều người dân, sự thiếu đồng bộ giữa hệ thống thanh toán ngân hàng với cơ sở dịch vụ và cả thói quen thích tiêu dùng bằng tiền mặt đang là những rào cản lớn cho phát triển giao dịch ngân hàng trực tuyến. Có những ngân hàng đã đi tiên phong trong đầu tư quầy giao dịch tự động, nhưng rồi chỉ một thời gian, khách hàng từ người trẻ tuổi đến người cao tuổi đều quay về quầy giao dịch có nhân viên làm việc.
“Mong muốn của Ngân hàng khi triển khai quầy giao dịch tự động là giảm dần các giao dịch truyền thống để hướng tới giao dịch hiện đại, sử dụng công nghệ, nhưng có lẽ phải một thời gian dài nữa mới có thể thực hiện được. Giao dịch cá nhân vẫn chiếm 80% là tiền mặt thì không có gì ngạc nhiên với hàng ngày các bao tải tiền vẫn được mang đến ngân hàng”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thừa nhận.