Tháng 9/2012 gia đình tôi có thảo luận một hợp đồng giao việc với ông N.C.L, một hợp đồng giao việc và hứa thưởng. Nội dung: giao cho ông L làm đại diện gia đình chúng tôi khiếu nại, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận 7, TP.HCM cấp cho vợ chồng ông M.V.L năm 2010. Nhưng khi gia đình chúng tôi ký tên vào bản hợp đồng này (do ông N.C.L soạn thảo) thì ông L không ký tên và không giao trả cho chúng tôi một bản theo thỏa thuận, mà giữ lấy tất cả và đi mất, không hề liên lạc với chúng tôi. Hơn 1 năm sau, ngày 7/8/2013, chúng tôi đã gửi thư qua đường phát chuyển nhanh, mời ông L đến nhà để làm rõ về thỏa thuận trên nhưng từ đó đến nay ông L không liên lạc với chúng tôi. Xin hỏi, giả sử ông L đã ký vào hợp đồng có chữ ký của chúng tôi nhưng cố tình không giao lại và không thực hiện nghĩa vụ như giao kết thì hợp đồng trên có phát sinh hiệu lực pháp lý hay không? Tôi phải khởi kiện ra Tòa án hay làm cách nào để vô hiệu hóa bản hợp đồng giao việc và hứa thưởng nêu trên?
Mai Thị Sàng (Khu phố 1, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM)
Trả lời:
Theo Điều 410, Bộ luật Dân sự 2005, các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu. Theo đó, Điều 132, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Như vậy, hợp đồng giao việc và hứa thưởng giữa gia đình bà với ông N.C.L bị vô hiệu do ông L đã lừa dối gia đình bà. Bà cần khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự trên là vô hiệu.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm.