Thị trường một lần nữa kiểm định mốc 1.250 điểm và lực cầu sôi động đã tiếp sức giúp VN-Index vượt qua thử thách để khép lại phiên giao dịch ngày 30/5 với mức giảm nhẹ. Trên biểu đồ hình thành thân nến Doji cho thấy lực cầu bắt đáy có xu hướng tăng cao, nhưng vẫn chưa thể xác nhận tín hiệu đảo chiều sau hai phiên giảm điểm.
Bên cạnh đó, các chỉ báo động lượng như RSI và MFI đang dần cân bằng trở lại quanh ngưỡng 50 cho thấy xu hướng dòng tiền có thể quay trở lại. Tuy nhiên, MACD histogram có dấu hiệu thu hẹp cho thấy khả năng bứt phá mạnh của thị trường không cao.
Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 31/5, áp lực bán tiếp tục được tiết chế sau 2 phiên điều chỉnh giảm liên tiếp, đã giúp VN-Index sớm tìm lại sắc xanh. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán khiến chỉ số chung khó tiến xa, thậm chí có thời điểm điều chỉnh nhẹ khi lực bán có chút gia tăng.
Sau khoảng 80 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng nhẹ hơn 2 điểm trong bối cảnh thị trường chung giao dịch phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng, các cổ phiếu bluechip cũng biến động giằng co nhẹ.
Trong bối cảnh chung không mấy khả quan, các nhóm cổ phiếu cùng xu hướng biến động nhẹ bởi trạng thái phân hóa, dòng tiền vẫn “len lỏi” tìm cơ hội ở các mã vừa và nhỏ có thông tin hỗ trợ. Điểm sáng là cổ phiếu EIB hiện đang tăng tốt nhất dòng bank, với biên độ tăng trên dưới 3,5% và thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 8,8 triệu đơn vị.
Thông tin đáng chú ý tại EIB là HĐQT Ngân hàng vừa thông qua việc triển khai chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 10%, gồm 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm Eximbank thực hiện việc chia cổ tức bằng tiền mặt.
Hay tại VSC, sau thông tin lãi trước thuế 4 tháng ước đạt 125,6 tỷ đồng, tăng trưởng tới 54% so với cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu này đã khởi sắc và giao dịch bùng nổ. Nếu phiên hôm qua tăng 1,2% với thanh khoản lên tới hơn 21,5 triệu đơn vị, thì trong phiên sáng nay, VSC liên tục nới rộng biên độ và hiện đang tăng trên dưới 4% với thanh khoản chỉ thua EIB, đạt hơn 7,5 triệu đơn vị…
Thị trường không có thêm động lực mới và VN-Index tiếp tục trong trạng thái lình xình quanh mốc tham chiếu trong bối cảnh dòng tiền suy yếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 181 mã tăng và 195 mã giảm, VN-Index giảm 0,07 điểm (-0,01%), xuống 1.266,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 305,34triệu đơn vị, giá trị 7.744,53 tỷ đồng, giảm 38,41% về khối lượng và 34,83% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,73 triệu đơn vị, giá trị 225 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng, chốt phiên chỉ số nhóm này giảm chưa tới 2 điểm. Trong đó, các mã tăng tốt nhất gồm BVH tăng 2%, VIC tăng 1,3% và MWG tăng 1%; ngược lại SAB, GVR và PLX giảm mạnh nhất khi đều mất hơn 1%.
Với diễn biến khởi sắc của cặp đôi MWG và BVH, nhóm cổ phiếu bán lẻ và bảo hiểm là nhóm tăng tốt nhất thị trường đạt trên dưới 1%. Trong đó, nhóm bán lẻ tăng tốt hơn nhờ sự đóng góp của một số mã khác như FRT có thời điểm kéo trần và chốt phiên tăng 4%, DGW tăng 2,3%...
Trong khi đó, nhóm ngân hàng đảo chiều giảm nhẹ, bởi nhân tố chính là VCB đảo chiều giảm 0,7% xuống mức giá thấp nhất của phiên sáng. Điểm sáng ngành vẫn là EIB dù biên độ đã thu hẹp, chốt phiên tăng 2,3% lên mức 20.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 12,38 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán lùi về sát mốc tham chiếu với mức tăng chỉ 0,2%, trong đó tích cực vẫn là các mã vừa và nhỏ, với VIX chốt phiên tăng 1,4% lên 18.150 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh chỉ thua EIB, đạt 10,37 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, một số mã vừa và nhỏ cũng ngược dòng thị trường chung và khởi sắc như ADS, SGT đều chốt phiên tăng trần; SGR, CLC, ITD tăng trên 4-5%...
Trên sàn HNX, thị trường cũng trong trạng thái phân hóa và tiếp tục điều chỉnh giảm.
Chốt phiên, sàn HNX có 73 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index giảm 0,55 điểm (-0,22%), xuống 243,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,22 triệu đơn vị, giá trị 547,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 65,88 tỷ đồng.
Cổ phiếu AAV bị xả mạnh và chốt phiên giảm 9,2% xuống mức giá sàn 6.900 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 4,8 triệu đơn vị và dư bán sàn 90.300 đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu SRA bất ngờ tăng 10%, chốt phiên đứng tại mức giá 4.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đột biến đạt hơn 1,7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,35 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu APEC, IDJ vẫn khởi sắc và chốt phiên tăng 2,5%, trong khi APS đứng giá tham chiếu, còn API giảm mạnh 7,3%.
Trên UPCoM, mặc dù có chút rung lắc nhẹ đầu phiên nhưng thị trường đã sớm đảo chiều hồi phục và duy trì đà tăng nhẹ trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,14%) lên 95,94 điểm với 181 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51 triệu đơn vị, giá trị 445tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,64triệu đơn vị, giá trị 16,54 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ giao dịch sôi động, với KSH, AAH, POM, QBS, DPS, PPO thuộc top dẫn đầu với trên 2-3 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chốt phiên phần lớn đều giảm mạnh hoặc nằm sàn.