Mốc 1.200 điểm đã đóng vai trò hỗ trợ khá tốt giúp thị trường có những cú bật hồi và VN-Index đóng cửa phiên 19/9 chỉ còn giảm nhẹ. Mặc dù dòng tiền bắt đáy đã tham gia giúp thị trường hãm đà rơi, nhưng với mức thanh khoản chưa mấy cải thiện thì chưa thể khẳng định thị trường đã lấy lại điểm cân bằng.
Theo SHS, việc chỉ số rung lắc để dần hình thành nền tích lũy chuẩn bị cho diễn biến tích cực hơn thời gian tới là vận động tích cực nhưng sẽ cần nhiều thời gian để chặt chẽ trở lại, xét về trung hạn nhịp vận động điều chỉnh và tích lũy lại là vận động tích cực.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 20/9, dòng tiền tham gia khá thận trọng sau những biến động mạnh của chỉ số trong phiên hôm qua khiến VN-Index mở cửa tăng nhẹ rồi nhanh chóng đảo chiều điều chỉnh.
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index chỉ chớm thủng mốc 1.210 điểm đã nhanh chóng bật hồi nhờ lực cầu gia tăng.
Điểm đáng chú ý trong thời gian gần đây chính là sự vận động của dòng tiền khi luân phiên chảy mạnh vào các nhóm ngành giúp thị trường nổi lên những đợt sóng dù khá ngắn. Nếu trong phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu thép là leader với đà tăng khá tốt về giá và thanh khoản sôi động, thì trong phiên sáng nay, dòng tiền nhanh chóng chuyển hướng qua nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản.
Bất chấp nhịp điều chỉnh của thị trường chung, bộ đôi nhóm ngành này vẫn đua nhau khởi sắc và đã tăng tốc mạnh mẽ khi tín hiệu thị trường lạc quan hơn.
Một trong những động lực tăng của các nhóm ngành này chính là tình hình xuất khẩu trong các công bố gần đây cho thấy những tín hiệu tích cực hơn và dự báo quý cuối năm sẽ tốt hơn khi thị trường xuất khẩu bước vào mùa tiêu thụ lễ tết.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trong nhóm thủy sản, VHC tăng 4,32%, ANV tăng kịch trần, IDI tăng hơn 6%, CMX tăng 5,53%, ACL tăng 3,8%, FMC tăng 3,6%... Còn ở nhóm dệt may, cổ phiếu GIL sớm tăng kịch trần, ngoài ra TCM tăng 3,67%, TNG có thời điểm tăng hơn 8% và hiện đang tăng hơn 6%, STK và MSH cùng tăng 4,5%, VGT tăng 5,2%...
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu khác liên quan đến xuất khẩu như phân bón, vận tải biển cũng đang có diễn biến khởi sắc hơn thị trường khi đồng loạt đang nới rộng biên độ tăng.
Thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong nửa cuối phiên sáng khi sắc xanh chiếm áp đảo bảng điện tử, với các nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất nhập khẩu duy trì đà tăng khá tốt.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 313 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 5,61 điểm (+0,46%) lên 1.217,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 386,81 triệu đơn vị, giá trị 9.095,81 tỷ đồng, giảm 14,41% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,36 triệu đơn vị, giá trị 659,6 tỷ đồng.
Trên thị trường, hầu hết các nhóm ngành đều khởi sắc, ngoại trừ 3 nhóm cổ phiếu nhỏ lẻ là tiện tích; sản xuất thiết bị, máy móc; chăm sóc sức khỏe điều chỉnh nhẹ.
Trong đó, nhóm cổ phiếu thủy sản tăng tốt nhất với ANV chốt phiên tăng trần, VHC và CMX đều tăng hơn 4%, IDI tăng hơn 6%, FMC tăng 3%, ACL tăng 3,81%... với IDI giao dịch sôi động nhất ngành và thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường với 8,39 triệu đơn vị, đáng kể có thời điểm cổ phiếu này kéo trần thành công, đạt 15.050 đồng/CP.
Ở nhóm dệt may, GIL vẫn giữ vững mức giá trần với khối lượng dư mua trần đạt hơn 0,8 triệu đơn vị, MSH tăng 4,3%, GMC tăng 3%, TNG tăng 5,66%...
Tuy nhiên, giao dịch sôi động nhất thị trường vẫn là các cổ phiếu trong nhóm bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Trong đó, NVL dẫn đầu khi đạt hơn 19 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên tăng nhẹ 0,3%, nhưng sự hỗ trợ tốt nhất giúp nhóm cổ phiếu bất động sản khởi sắc trở lại là GVR và VHM khi lần lượt chốt phiên tăng 2,9% và 1,2%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng hồi phục, với tâm điểm đáng chú ý là bộ 3 gồm VND, SSI và VIX khi chốt phiên tăng trên dưới 2%, thanh khoản đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.
Trong dòng bank, sắc xanh cũng chiếm áp đảo, với MSB chốt phiên tăng 2% và khớp lệnh thuộc top 3 thị trường với hơn 14 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Trên sàn HNX, thị trường đã ghi nhận phiên hồi phục tích cực.
Chốt phiên, sàn HNX có 93 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 2,2 điểm (+0,88%) lên 252,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 41,95 triệu đơn vị, giá trị 928,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,08 triệu đơn vị, giá trị 17,27 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, cổ phiếu dệt may trên HNX là TNG đã có phiên giao dịch ấn tượng. Có thời điểm TNG tăng tốc áp sát mức giá trần và có chút thu hẹp biên độ về cuối phiên nhưng đây vẫn là mã tăng tốt của thị trường. Chốt phiên, TNG tăng 5,7% lên mức 22.400 đồng/CP với thanh khoản đột biến lên tới 4,58 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác trong nhóm HNX30 cũng đồng loạt khởi sắc, hỗ trợ tốt cho thị trường như SHS tăng 3,1% và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 8,2 triệu đơn vị khớp lệnh, IDC và HUT cùng tăng 1,6%, MBS tăng 2,9%, PVS và CEO cùng hồi nhẹ…
Đáng chú ý vẫn là CMS khi cuộc hành trình chinh phục những đỉnh cao vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Chốt phiên sáng nay, CMS tăng 9,8% lên mức giá trần 34.700 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 6 trong thời gian gần đây và là phiên tăng thứ 14 trong tổng số 15 phiên giao dịch gần đây với tổng mức tăng trong 15 phiên đạt gần 190%, tức gấp gần 3 lần về thị giá.
Trên UPCoM, thị trường đã may mắn có được sắc xanh nhạt.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%) lên 93,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,83 triệu đơn vị, giá trị 357,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,29 triệu đơn vị, giá trị 4,52 tỷ đồng.
Chỉ có 3 mã giao dịch trên 1 triệu đơn vị, trong đó SBS dẫn đầu khi đạt hơn 3 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 5,3% lên mức 9.900 đồng/CP; tiếp theo là BSR khớp 2,77 triệu đơn vị và chốt phiên đứng giá tham chiếu; cổ phiếu dệt may VGT cùng trong xu hướng chung của ngành khi tăng 6,2% lên mức giá 13.700 đồng/CP cùng thanh khoản khá tốt, đạt 1,64 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu CEN tiếp tục giao dịch ấn tượng và có thời điểm chạm trần. Chốt phiên, CEN tăng 10,5% lên mức 8.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch vẫn duy trì nhiệt sôi động với hơn 0,96 triệu đơn vị.