Giao dịch chứng khoán sáng ngày 10/2: Thị trường ảm đạm, VN-Index tiếp tục mất điểm

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến VN-Index lùi về mốc 1.060 điểm sau phần lớn thời gian rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu. Đáng chú ý là thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh.

Thị trường vẫn trong trạng thái rung lắc với những phiên tăng giảm đan xen bởi tâm lý nhà đầu tư trong nước thận trọng cao độ, trong khi khối ngoại cũng dần xuất hiện những phiên giao dịch bán ròng.

Trong phiên hôm qua ngày 9/2, VN-Index giao dịch không mấy tích cực khi kết phiên vẫn tạo nến inverted hammer và đóng cửa dưới đường trung bình động MA20 khi để mất hơn 8 điểm.

Hiện tại, VN-Index vẫn giữ được trạng thái vận động trên đường hỗ trợ 1.050 điểm và ngoài vùng vận động của kênh downtrend, nhưng đợt điều chỉnh đang diễn ra đang đe dọa khả năng trụ vững của chỉ số trong vùng hồi phục.

Bên cạnh thị trường trong nước đang chưa rõ xu hướng, thì ở thị trường thế giới, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên giảm điểm trong ngày thứ Năm (9/2) sau diễn biến trên thị trường trái phiếu một lần nữa làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.

Quay lại với phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 10/2, trạng thái phân hóa với dòng tiền tham gia nhỏ giọt khiến thị trường vẫn trong trạng thái rung lắc nhẹ.

Sau khoảng hơn 30 phút giao dịch, do sức ép chính từ nhóm cổ phiếu bluechip đã đẩy VN-Index về sát mốc 1.060 điểm rồi nhanh chóng bật ngược đi lên.

Dù thị trường đã hồi phục sắc xanh sau khoảng 1 giờ mở cửa nhưng với lực cầu khá hạn chế trong khi bên bán vẫn canh những nhịp hồi để ra hàng khiến VN-Index khó bền. Chỉ số này tiếp tục quay lại diễn biến giao dịch trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu, đồng thời thanh khoản sụt giảm mạnh với giá trị trên sàn HOSE chỉ đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.

Các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đang giao dịch khá yếu dù có được sắc xanh nhưng mức tăng hạn chế.

Trong khi đó, điểm nóng thị trường là nhóm cổ phiếu thủy sản nhanh chóng hạ nhiệt sau phiên bùng nổ hôm qua khi không còn mã nào giữ được đà tăng trần. Mặt khác, nhóm cổ phiếu điện lại nổi lên thay thế, với PC1 tăng 3,8%, GEG, LEC, VNE, NT2 đều tăng hơn 2%...

Lực cầu khá yếu khiến thị trường chỉ hồi nhẹ rồi nhanh chóng quay đầu và chỉ số VN-Index tiếp tục có thêm phiên giảm nhẹ khi tạm dừng phiên giao dịch sáng cuối tuần. Điểm đáng lưu ý chính là thanh khoản thị trường vẫn giảm dần đều qua các phiên giao dịch.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 83 mã tăng và 286 mã giảm, VN-Index giảm 3,8 điểm (-0,36%), xuống 1.060,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 168,14 triệu đơn vị, giá trị 3.125,6 tỷ đồng, giảm 23,4 về khối lượng và 22,63% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,38 triệu đơn vị, giá trị hơn 809 tỷ đồng.

Cũng như thị trường chung, nhóm VN30 hầu hết đều chuyển đỏ với 20 mã giảm, gấp 4 lần số mã tăng (chỉ 5 mã). Trong đó, các mã giữ được sắc xanh là VCB, PDR, VHM, VJC và VHM với mức tăng nhẹ chỉ trên dưới 0,5%.

Tương tự ở chiều ngược lại, biên độ tăng của các cổ phiếu cũng khá hẹp với NVL và VIB dẫn đầu khi cùng mất 1,8%; tiếp theo là GAS, GVR, HDB, SSI giảm hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giao dịch cũng không mấy tích cực. Chỉ còn các mã như MCG, SC5, HOT tăng trần với thanh khoản nhỏ giọt; trong khi các mã giao dịch sôi động hơn như HAG, DXG, KHG, DIG… đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Xét về nhóm ngành, nếu trong nửa đầu phiên sáng, số nhóm tăng giảm khá tương đồng nhau, thì về cuối phiên, chỉ còn nhóm sản xuất thiết bị, máy móc (gồm MCG, NHH, THI, NAG, QHD, SHE…) và nhóm chăm sóc sức khỏe (gồm DCL, DHG, DMC, DP3, IMP, MED, OPC, PMC, TNH,TRA…) giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều mất điểm.

Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ còn VCB và LPB tăng nhẹ trên dưới 1%, còn lại đều đảo chiều, lùi về mốc tham chiếu hoặc mất điểm.

Chứng khoán giảm sâu hơn với VND và VIX cùng giảm 1,7%, SSI giảm 1%, HCM giảm 2,1%, FTS giảm 1,3%, VDS giảm 2,1%, CTS giảm 1,4%...

Nhóm thủy sản tiếp tục hạ nhiệt với nhiều mã như IDI, ASM giảm gần 2%, VHC giảm 1,5%. Nhóm cổ phiếu điện cũng không còn sáng với GEX, REE, PPC… đều giảm nhẹ.

Như đã nói ở trên, thanh khoản thị trường giảm mạnh khi không có mã nào khớp 5 triệu đơn vị. Cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản là NVL khớp lệnh 4,96 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau khi le lói sắc xanh đầu phiên, áp lực bán trên diện rộng cũng khiến thị trường quay đầu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 2,21 điểm (-1,05%), xuống 208,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,57 triệu đơn vị, giá trị 257,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ 2,71 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên thị trường khá phân hóa. Trong đó, SHS dẫn đầu khi khớp 2,34 triệu đơn vị, chốt phiên đứng tại mốc tham chiếu 8.600 đồng/CP; tiếp theo là CEO và PVS lần lượt khớp 2,1 triệu đơn vị và 1,33 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng giảm 2,3% xuống mức thấp nhất 20.900 đồng/CP và giảm 0,4% xuống 24.300 đồng/CP.

Cặp đôi còn lại là BCC và MBG đều khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên cùng khởi sắc với mức tăng 2,9% lên 10.700 đồng/CP và tăng 4,3% lên 4.900 đồng/CP.

Ngoài ra, một cổ phiếu nhỏ đáng chú ý khác là KLF cũng ghi nhận phiên khởi sắc khi chốt phiên tăng trần lên mức 900 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch tích cực hơn dù đầu phiên khá rung lắc.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,31%), lên 77,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,63 triệu đơn vị, giá trị 116,05 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ 1,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với 2,25 triệu đơn vị giao dịch thành công, nhưng diễn biến giá cổ phiếu trái ngược xu hướng thị trường khi đảo chiều giảm sau thời gian ngắn đầu phiên tăng điểm. Chốt phiên, BSR giảm 1,2% xuống 16.400 đồng/CP.

Bên cạnh đó, PVX cũng quay đầu giảm 7,7% xuống mức giá thấp nhất phiên sáng 2.400 đồng/CP và khớp hơn 0,9 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đầu tư công C4G rung lắc và chốt phiên giảm nhẹ 0,9% xuống 10.800 đồng/Cp với thanh khoản chỉ thua BSR, đạt hơn 1 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục