Giao dịch chứng khoán sáng 9/12: Thị trường giằng co, NVL và HPX tiếp tục bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường giao dịch phân hóa và giằng co với thanh khoản khá thấp bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Đáng chú ý, cặp đôi bất động sản NVL và HPX tiếp tục bị xả bán ồ ạt.
Giao dịch chứng khoán sáng 9/12: Thị trường giằng co, NVL và HPX tiếp tục bị bán tháo

Sau 2 phiên điều chỉnh liên tiếp, thị trường đã hồi phục và lấy lại mốc 1.050 điểm trong ngày hôm qua (8/12), nhưng nhìn chung vẫn đang chịu áp lực từ tín hiệu evening star gần đó. Đồ thị nến xuất hiện mẫu hình nến dạng sao băng (shooting star) với thanh khoản chưa được cải thiện, cho thấy áp lực về cuối phiên là khá mạnh trong khi dòng tiền tham gia vẫn còn thận trọng.

Diễn biến trên cho thấy thị trường trong quá trình tìm điểm cân bằng tại vùng 1.030-1.050 điểm. Trong những phiên tới, sau khi tích lũy đủ, VN-Index có cơ hội bật lên và chinh phục ngưỡng kháng cự tiếp theo 1.070-1.080 điểm.

Quay lại phiên sáng cuối tuần ngày 9/12, tâm lý thận trọng khiến thị trường giao dịch khá chậm. Chỉ số VN-Index mở cửa bật tăng gần 10 điểm, áp sát mốc 1.060 điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip.

Tuy nhiên, đà tăng dần thu hẹp khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục và sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đã lùi về vùng giá tham chiếu do áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến sắc đỏ chiếm áp đảo trên thị trường.

Trong nhóm VN30, cổ phiếu MSN đang là điểm sáng sau 3 phiên giảm liên tiếp ngược dòng thị trường, đã hồi phục khá mạnh và có thời điểm tăng hơn 5%. Hiện MSN vẫn là mã tăng tốt nhất trong rổ này với biên độ tăng trên dưới 4%.

Trong khi cặp đôi VIC và VHM đang biến động lình xình quanh mốc tham chiếu, thì một số mã bất động sản biến động mạnh thời gian qua tiếp tục “tàu lượn”. Cụ thể, NVL sau khi mở cửa giảm sàn rồi hồi phục về gần mốc tham chiếu, đã trở lại nằm sàn do áp lực xả bán mạnh. Hiện NVL có thanh khoản lớn nhất thị trường với hơn 32,7 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 8 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HPX sau khi hồi phục về mốc tham chiếu cũng đã bị “đạp” về nằm sàn với khối lượng dư bán sàn hiện lên tới hơn 4 triệu đơn vị, nhưng thanh khoản cũng khá tốt, chỉ thua NVL với gần 18 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giao dịch khá phân hóa. Trong khi anh cả VCB tăng 1,82%, thì BID, CTG, TCB, MBB đang giảm trên dưới 1%. Đáng chú ý là một số mã như STB, LPB, TPB đang tăng khá tốt trên dưới 2%, đặc biệt là EIB kéo trần thành công và hiện đang dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Sau pha rung lắc và đảo chiều giảm điểm, thị trường đã lấy lại được sắc xanh về cuối phiên nhờ sự hỗ trợ từ một số mã lớn và sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, trạng thái thị trường không mấy tích cực khi chỉ số chung chỉ tăng hơn 1 điểm trong khi số mã giảm điểm chiếm ưu thế trên bảng điện tử, đặc biệt là thanh khoản sụt giảm khá mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 159 mã tăng (10 mã tăng trần) và 238 mã giảm (11 mã giảm sàn), VN-Index tăng 1,31 điểm (+0,12%) lên 1.051,84. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 369,13 triệu đơn vị, giá trị 5.787,28 tỷ đồng, giảm 28,75% về lượng và 32,57% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,12 triệu đơn vị, giá trị 209,66 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 12 mã tăng và 15 mã giảm, chốt phiên tăng gần 1,5 điểm lên mức 1.064 điểm. Trong đó, cổ phiếu MSN hạ độ cao khi chỉ còn tăng 2,9%, chốt phiên đứng tại mức giá 98.800 đồng/CP. Các mã lớn khác như GVR, PLX, GAS, SAB, HPG tăng trên dưới 1%, cùng sự khởi sắc của các cổ phiếu ngân hàng TPB, STB, VCB, HDB…

Trái lại, cổ phiếu NVL dù lực cầu tham gia khá tích cực nhưng áp lực xả bán ồ ạt vẫn khiến mã này đóng cửa trong trạng thái trắng bên mua và dư bán sàn 4,37 triệu đơn vị. Chốt phiên sáng nay, NVL đứng tại mức giá sàn 16.650 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt 37,82 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cặp đôi lớn VIC và VHM cũng có diễn biến không mấy khả quan. Trong khi VIC lùi về mốc tham chiếu thì VHM đảo chiều giảm và mất 2,2%, chốt phiên đứng tại mốc 54.200 đồng/CP.

Cổ phiếu bất động sản nóng trong thời gian gần đây là PDR cũng quay đầu giảm 2,11% xuống mức 16.250 đồng/CP và khớp 4,25 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, dòng bank có phần tích cực hơn về cuối phiên, cụ thể EIB tiếp tục tăng kịch trần với khối lượng dư mua trần gần 2,2 triệu đơn vị, TPB tăng 4,32%, STB tăng 3,69%, VCB tăng 1,7%, HDB tăng 1,21%, TCB và VIB tăng trên dưới 0,5%, cùng VPB, SHB, SSB đứng giá tham chiếu; trong khi BID, CTG, OCB, MSB, MBB, ACB điều chỉnh nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trái với diễn biến không mấy khả quan ở các mã lớn, ở top vừa và nhỏ, nhiều mã đã kéo trần thành công như CTD, FCN, HBC, VCG, trong đó VCG giao dịch sôi động với thanh khoản thuộc top 10, đạt 11,48 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 2,16 triệu đơn vị; các mã khác như HHV tăng 5,8%, LCG tăng 5,4%, CII tăng 4,7%...

Cặp đôi NVL và HPX vẫn chịu áp lực bán tháo. Trong đó, HPX chốt phiên đứng tại mức giá 6.330 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 18,5 triệu đơn vị và dư bán sàn 5,96 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch phân hóa, trong đó VND chốt phiên tăng 2,3% lên 15.650 đồng/CP, VIX tăng 4,6% lên 8.350 đồng/CP với thanh khoản đều thuộc top 5, lần lượt đạt 18,38 triệu đơn vị và 12,6 triệu đơn vị, CTS tăng 5,2%; trong khi đó, SSI, VCI, HCM giảm nhẹ trên dưới 1%...

Nhóm cổ phiếu dệt may vẫn là điểm sáng của thị trường, trong đó GIL kéo trần thành công, TCM tăng 6,16% lên gần mức giá trần, STK tăng 2,4%.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip cũng đã hỗ trợ tốt giúp thị trường hồi phục sắc xanh trở lại về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,26%), lên 215,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,51 triệu đơn vị, giá trị 723,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,35 triệu đơn vị, giá trị 151,66 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng giao dịch phân hóa khi có 12 mã tăng và 13 mã giảm, nhưng chốt phiên chỉ số HNX30-Index tăng 3,57% nhờ đà tăng khá tốt của một số mã.

Cụ thể, TIG tăng kịch trần lên mức 8.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt hơn 1,7 triệu đơn vị; CEO có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng 5,6% lên 22.800 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt 11,09 triệu đơn vị; HUT tăng 5% lên 18.800 đồng/CP…

Cũng thuộc nhóm cổ phiếu dệt may, TNG cũng bật tăng mạnh về cuối phiên và tạm dừng phiên sáng nay tại mức giá 15.700 đồng/CP, tăng 5,4% với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị.

Trái lại, LHC giảm mạnh nhất trong nhóm này khi để mất 4,8%; tiếp theo là các mã DXP giảm 4,3%, TVD giảm 3,7%, NBC giảm 2,5%, BVS giảm 2,4%...

Cổ phiếu chứng khoán SHS cũng rung lắc và chốt phiên giảm 1,1% xuống 9.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua CEO, đạt 7,84 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF chốt phiên tăng kịch trần lên 900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,23 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nhịp rung lắc giữa phiên, thị trường cũng đã đảo chiều hồi phục sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,07%), lên 71,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,54 triệu đơn vị, giá trị 199,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,78 triệu đơn vị, giá trị 5,72 tỷ đồng.

Mặc dù mở cửa xanh nhạt nhưng áp lực bán gia tăng đã khiến cổ phiếu BSR chốt phiên giảm 2,8% xuống mức 14.000 đồng/CP, thanh khoản dẫn đầu thị trường với 2,87 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu nhỏ PVX giữ vững mức giá trần 2.700 đồng/CP với thanh khoản tích cực, đạt hơn 2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,35 triệu đơn vị.

Một mã đáng chú ý là C4G, dù mở cửa giảm điểm nhưng lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này hồi phục và bật cao. Chốt phiên, C4G tăng 6,7% lên 9.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,3 triệu đơn vị.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục